Ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV).
Dự án Samsung Electro-Mechanics được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2013, chỉ 6 tháng sau khi Tập đoàn Samsung khởi công xây dựng Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Dự án Samsung Electro-Mechanics đi vào hoạt động từ tháng 2/2015, tại Khu công nghiệp Yên Bình. Lúc đó, Dự án có vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD, sau nhiều lần điều chỉnh đã nâng vốn lên 1,35 tỷ USD và toàn bộ số vốn này đã được giải ngân hết. Như vậy, cộng với 920 triệu USD tăng thêm, Samsung Electro-Mechanics có tổng vốn đầu tư 2,27 tỷ USD.
Với vốn tăng thêm 920 triệu USD, nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam có vốn đầu tư lên đến 2,27 tỷ USD (Ảnh: TL) |
Samsung Electro-Mechanics được xây dựng nhằm sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm mảng lưới bóng chíp bán dẫn), các linh kiện, phụ tùng (như camera module, bộ nắn điện, Touch sensor module, Linear motor...) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác… Dự án cũng xây dựng và vận hành các khu nhà và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết khác cho các chuyên gia và công nhân của Công ty SEMV.
Hiện nay, dự án đang hoạt động tốt với số vốn đầu tư đạt 100% so với tổng vốn đầu tư đã đăng ký, số lao động sử dụng tại thời điểm 31/10/2021 là 6.585 lao động.
Ngày 23/12/2021 vừa qua, SEMV đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng vốn đầu tư của dự án lên 51.957,246 tỷ đồng, tương đương 2,27 tỷ USD (tăng thêm 920 triệu USD).
Với phần vốn tăng thêm, Samsung Electro-Mechanics dự kiến sẽ tập trung sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao, như mảng lưới bóng chíp bán dẫn…, các linh kiện, phụ tùng (camera module, thấu kính, actuator, bộ nắn điện, touch sensor module, linear motor, WPT…) cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác...
Việc Samsung tiếp tục đầu tư lớn đã một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD. Thêm phần đầu tư mở rộng vào dự án tại Thái Nguyên, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên 19,2 tỷ USD, giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong năm 2021, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
Hiện tại, Samsung Việt Nam vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Tập đoàn này khẳng định, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D).
Trung tâm R&D mới của Samsung đang được xây dựng tại Hà Nội, với quy mô đầu tư 220 triệu USD, dự kiến khánh thành cuối năm nay. Trung tâm này sẽ tập trung nghiên cứu các xu hướng công nghệ mới như AI, Big Data, IoT..., đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam.
Đức Nguyễn