Gỗ nguyên liệu từ châu Phi bắt đầu được nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2004-2005, chủ yếu được đưa vào các làng nghề gỗ truyền thống sử dụng để làm đồ gỗ nội thất, làm khung ngoại, làm cột đình, chùa (đặc biệt là gỗ lim) và các công trình xây dựng. Một số ít được sử dụng để chế biến sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, từ những năm 2009-2010, gỗ châu Phi bắt đầu được nhập về nhiều. Trong những năm gần đây, lượng nhập tăng lên rất nhanh.
Tăng chóng mặt vì người Việt thích
Thông tin từ một số DN và các hộ chế biến gỗ tại làng nghề cho thấy, khoảng 50% lượng gỗ châu Phi NK vào Việt Nam được sử dụng cho các công trình xây dựng; 50% còn lại được sử dụng làm đồ gỗ.
Theo Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triển bền vững” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện, châu Phi đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, lượng cung từ thị trường này đã lên tới trên 1,3 triệu m3, chiếm 25% tổng lượng gỗ nguyên liệu tròn và xẻ NK vào Việt Nam.
Bình quân mỗi năm có khoảng 20 quốc gia từ châu Phi cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, trong đó có khoảng 7-8 quốc gia có lượng cung mỗi năm từ 10.000m3 trở lên. Các quốc gia có lượng cung lớn nhất là Cameroon, Ghana, Equatorial Guinea, Angola, Congo.
Số lượng các loài gỗ NK vào Việt Nam tương đối đa dạng. Năm 2017, Việt Nam NK khoảng 145 loài gỗ tròn và 110 loài gỗ xẻ từ châu Phi. Tuy nhiên, số lượng các loài có lượng nhập lớn (trung bình từ 10.000m3/năm trở lên) chỉ khoảng 5-7 loài, điển hình là lim, hương, gõ, xoan đào.
Đánh giá về xu hướng, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, nhận định NK gỗ từ nguồn này vào Việt Nam đang tăng. Tính theo lượng gỗ quy tròn, lượng gỗ NK năm 2017 tăng gần 86% so với năm 2016.
Các chuyên gia ngành gỗ lý giải lượng gỗ nguyên liệu NK từ châu Phi vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến mức giá gỗ. Các loài gỗ NK từ nguồn này thấp hơn nhiều so với giá các loài gỗ cùng tên gọi Việt Nam NK từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Quan trọng hơn, nguồn gỗ NK từ châu Phi ngày càng được chấp nhận bởi người sử dụng tại Việt Nam, nghĩa là cầu thị trường về các loài gỗ này tại Việt Nam đang tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề lo ngại nằm ở chỗ tại Việt Nam đang tồn tại sự lộn xộn về tên gọi của các loài gỗ NK từ châu Phi vào Việt Nam.
![]() |
Lượng gỗ nhập khẩu từ châu Phi vào Việt Nam 2016-2017 |
Mập mờ nguồn gốc
Các nhà NK, các cơ sở chế biến tại các làng nghề đang sử dụng tên các loài gỗ của Việt Nam để đặt tên cho một số loài gỗ NK từ châu Phi. Tuy nhiên, các loài gỗ NK từ nguồn này thường không giống với các loài gỗ của Việt Nam hoặc các loài gỗ NK từ các nước lân cận. Điều này dẫn đến một số khó khăn và rủi ro trong sử dụng và kiểm soát nguồn gỗ NK từ châu Phi.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Vifores, cho biết trừ Ghana và Kenya, các quốc gia châu Phi cung gỗ cho Việt Nam đều có các chỉ số quản trị quốc gia như sự tham gia của người dân trong ban hành và thực thi chính sách, tính hiệu quả của Chính phủ, chất lượng thể chế và tính hiệu quả của kiểm soát tham nhũng ở mức rất thấp (thông thường xếp hạng 10-20 trong thang điểm 100).
Nhìn chung, quản trị rừng tại các quốc gia này kém, thông thường liên quan đến việc thực thi chính sách kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan và xung đột trong quản lý sử dụng tài nguyên rừng. Quản trị quốc gia nói chung và quản trị rừng nói riêng kém dẫn đến những rủi ro về nguồn cung gỗ này.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự minh bạch về nguồn gỗ NK đưa vào chuỗi cung.
“Nguồn cung gỗ từ châu Phi hiện đang thiếu thông tin. Đây cũng chính là rủi ro, bởi thiếu bằng chứng về tính hợp pháp và ẩn chứa nhiều rủi ro khác. Với lượng cung gỗ từ nguồn này rất lớn, việc minh bạch thông tin về nguồn gỗ là điều tối quan trọng”, ông Quyền nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ và các hiệp hội gỗ yêu cầu tất cả các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam từ châu Phi cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách về khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại các quốc gia này.
Các thông tin trên cần được cập nhật phổ biến cho các cơ quan quản lý, kiểm soát NK cũng như những công ty NK và các hộ tại các làng nghề, nơi nguồn gỗ được sử dụng.
Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp tại các nước cung gỗ cho Việt Nam tại châu Phi nhằm để đưa ra danh sách các loài gỗ NK và đặc điểm nhận dạng của từng loài. Danh sách này cần được phổ cập trong hệ thống các nhà quản lý, làng nghề và những người NK.
Đồng thời, các DN NK gỗ từ châu Phi cần tăng cường trách nhiệm giải trình, nhằm giảm thiểu rủi ro trong gỗ NK.
Thy Lê