Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang được tiêu thụ tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015 KNXK gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 và 23% so với kim ngạch năm 2013. Hội nhập đã và đang đem lại những lợi thế cạnh tranh tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, công nghệ chế biến hiện đại, kỹ năng quản lý vào Việt Nam.
Hội nhập thụ động
Tại buổi tọa đàm tham vấn “Rủi ro khi XK đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” diễn ra ngày 23/5, do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Qũy châu Á tổ chức, Ts. Tô Xuân Phúc - Chuyên gia của Tổ chức Forest Trend, cho biết mặc dù ngành gỗ đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, nhưng chất lượng hội nhập của ngành chế biến gỗ vẫn còn những hạn chế.
Hội nhập cũng khiến ngành gỗ chịu tác động từ các luật chơi quốc tế ngày càng chặt chẽ, không phải chỉ về các yêu cầu liên quan tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, mà còn liên quan tới sử dụng và quản lý lao động, trách nhiệm và nghĩa vụ của DN và người lao động, môi trường làm việc, dư lượng hóa chất trong sản phẩm, bản quyền về kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, phương thức quản lý. Các quy định này làm cho các cuộc cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt hơn và điều này tạo ra cả cơ hội lẫn rủi ro.
Theo Ts. Tô Xuân Phúc, hiện, ngành gỗ Việt Nam mới chỉ làm nhiệm vụ gia công chế biến, với giá trị thặng dư tích lũy nhờ lao động giá rẻ, công nghệ chế biến không phát triển và sử dụng nhiều nguyên liệu thô, lợi ích dựa vào số lượng hơn là chất lượng. Các DN chưa tạo được thế chủ động trong hội nhập thị trường.
Bên cạnh đó, các tương tác trực tiếp với thị trường XK chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi người mua nước ngoài. Hội nhập thụ động không những đặt các DN vào vị thế bất lợi trong các giao dịch thị trường mà còn tiềm ẩn các rủi ro khi tham gia các thị trường XK.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), tính thụ động của ngành gỗ khi tham gia hội nhập thị trường còn thể hiện qua một số hạn chế của DN trong việc nắm bắt các quy định của thị trường XK. Điều này khiến các DN đối mặt với vô vàn rủi ro cả về mặt kinh tế và pháp lý. Rủi ro về mặt pháp lý được nhắc đến chủ yếu là quy định về tính hợp pháp về nguồn gốc nguyên liệu gỗ của các thị trường XK, trong đó phải nhắc đến các quy định của thị trường Mỹ, EU, Australia - ba thị trường XK gỗ lớn của Việt Nam.
Chẳng hạn với Mỹ, thị trường XK quan trọng nhất đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của năm 2015 sang thị trường này đạt 2,64 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường XK của Việt Nam.
Hầu hết các mặt hàng gỗ từ Việt Nam XK vào Mỹ có nguồn gốc từ gỗ NK, gồm: bồ đề, dương, óc chó, thông, dẻ gai... được NK từ châu Âu, Mỹ, Australia, New Zealand... là các nguồn gỗ ‘sạch’.
Tuy nhiên, có một số loại gỗ nguyên liệu như dầu, chiêu liêu, dái ngựa... được NK từ một số thị trường Lào, Campuchia, Philippine, Indonesia... có tình trạng pháp lý không rõ ràng, nguy cơ vi phạm Đạo luật Lacey của các DN đang sử dụng các loại gỗ này trong các sản phẩm XK đi Mỹ là rất lớn.
![]() |
Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn nhất trên thế giới
Thiếu thông tin thị trường
Số liệu khảo sát DN gỗ tại Báo cáo “Rủi ro khi XK đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” do Viforest và Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) thực hiện cho thấy trong 154 DN gỗ được điều tra, có 39 DN XK gỗ sang Mỹ. Trong đó, 26 DN trong tổng số 39 DN này (tương đương với 67%) không có bất kỳ loại hình chứng chỉ nào.
Việc thiếu thông tin thị trường XK cũng khiến ngành gỗ đứng trước rủi ro khi hội nhập. Báo cáo chỉ có khoảng gần 54% DN trực tiếp XK vào Mỹ hiểu biết về Đạo luật Lacey của thị trường này. Điều này có nghĩa có tới gần một nửa số DN hiện tại đang XK các sản phẩm gỗ của mình vào thị trường Mỹ không nắm bắt được quy định có liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm của mình tại thị trường này.
Không chỉ thụ động khi tham gia thị trường, vấn đề sử dụng lao động cũng là thách thức lớn của các DN Việt Nam. 39 DN hiện tham gia thị trường Mỹ tổng số 601 người hiện đang làm việc tại các DN này, 61% là những người đang trong độ tuổi lao động (18 - 65 tuổi). Số lượng lao động ngoài độ tuổi lao động (trên 65 tuổi và dưới 18 tuổi) tương đối lớn, chiếm gần 40% trong tổng số lao động của các DN.
Theo các chuyên gia, để vượt qua thách thức, chủ động tham gia thị trường, giảm thiểu rủi ro đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cam kết mạnh mẽ, không phải chỉ riêng các DN trực tiếp tham gia XK mà còn là của toàn ngành chế biến, trong đó có vai trò quan trọng của các hiệp hội. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đóng vai trò quan trọng, làm tác nhân “xúc tác” tạo các điều kiện và cơ chế thuận lợi cho các DN chủ động tham gia hội nhập.
Các DN cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận thông tin, đặc biệt là các quy định có liên quan đến các yêu cầu mới của thị trường. Các tổ chức đại diện cho DN như VCCI và các Hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin, định hướng thị trường, đưa ra cảnh báo sớm về các rủi ro cho DN, giúp doanh nghiệp chủ động tham gia hội nhập. Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thông qua các hoạt động nâng cao tay nghề, tăng chất lượng lao động cập nhật thông tin và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong chế biến và hệ thống quản lý hiện đại.
Thu Hường