Ngày 1/11, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hoàn tất bản bản kiến nghị Quý III/2024 gửi các Bộ ngành, đồng thời cũng là tài liệu phục vụ cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine”, theo các chuyên gia, tác động của cuộc chiến đã làm giảm hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Chuyên gia phân tích, Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế đối với cả hai quốc gia. Đồng thời Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong khi Nga lại là đối tác đầu tư khai thác dầu lớn của Việt Nam.
Việt Nam có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU, Mỹ. |
“Xét về mặt thực tiễn cho thấy khi có sự hỗn loạn và thay đổi mạnh mẽ do cuộc chiến lại là cơ hội cho các nước khác thâm nhập và cung cấp hàng hóa thiếu hụt cho EU, đặc biệt là những hàng hóa trước đây phải nhập từ Nga và Ukraine. Dấu hiệu EU tăng nhập than củi, dầu mỏ, hàng thiết yếu…. cho thấy rõ nhu cầu nhưng gần như các doanh nghiệp Việt Nam lại không nắm được cơ hội đó. Rất ít doanh nghiệp chen chân vào thay thế nhà cung cấp hàng hóa cho EU….”, bản kiến nghị nêu thực tế. Đồng thời lưu ý, khi EU ổn định trở lại và có đủ nhà cung cấp thì việc cạnh tranh và giành thị trường càng thêm khó khăn.
Do đó, để tận dụng cơ hội này, báo cáo kiến nghị chính sách của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Việt Nam cần gia tăng các đoàn công tác, tham gia mạnh mẽ các diễn đàn về xuất khẩu hàng hóa, nhanh chóng nắm bắt cơ hội bán hàng tại châu Âu. Bên cạnh đó, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng phát triển các điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính nhằm đón luồng vốn dịch chuyển FDI từ Mỹ, EU, thậm chí từ Trung Quốc nhằm gia tăng nhanh năng lực cung cấp hàng hóa được sản xuất từ Việt Nam xuất sang các nước, đặc biệt là xuất sang Mỹ và châu Âu.
“Cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ, EU và các nước đồng minh là có lợi thế. Việt Nam cần tạo cơ chế cùng có lợi để tận dụng cơ hội quốc tế này…”, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra lời khuyên.
Đối với thị trường Trung Quốc, các chuyên gia lưu ý, cần thận trọng với khả năng chịu sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc khi mà ngày càng có nhiều nguồn vốn FDI của nước này dịch chuyển sang Việt Nam.
Theo đó, việc quy hoạch phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững nhằm phân lập một số nhóm hàng hóa được phép tiếp nhận FDI từ Trung Quốc để tăng năng lực như hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa xuất khẩu. Những mặt hàng trọng yếu, có tác động lớn tới nền kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thì hướng đến công nghệ cao hơn, chủ động và tự chủ.
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến Nga- Ukraine còn tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.
Thanh Hoa