Theo các chuyên gia, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là lấy tiền của người mua xăng dầu để "bình ổn" giá cho chính người mua xăng dầu, thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp (DN).
Nên bỏ quỹ
Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu diễn ra nhiều năm nay, đã được bàn đi bàn lại nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo một DN kinh doanh xăng dầu bày tỏ quan ngại về cách trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua. "Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bị lạm chi", vị này nói.
Bộ Tài chính mới đây công bố số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II/2019 đang âm 499,932 tỷ đồng. Như vậy, các DN kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại. "Đây là rủi ro cực lớn cho các DN. DN đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay", vị lãnh đạo DN này nói và cho rằng việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu lẽ ra nên làm từ lâu.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu phía Nam, chia sẻ các DN sản xuất xăng dầu trong nước hiện đã đáp ứng được 90% nhu cầu tiêu thụ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, nhập khẩu xăng dầu các loại trên cả nước giảm 1,89 tỷ USD. Đáng chú ý, một số tỉnh thành giảm mạnh tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu, thậm chí trong nửa đầu năm nay, Tp.HCM không nhập khẩu xăng dầu nhưng tổng mức bán lẻ xăng dầu các loại trong nửa đầu năm trên địa bàn vẫn tăng hơn 13%, lên gần 31.000 tỷ đồng.
Từ những phân tích trên, ông Trường đề nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới sẽ hợp lý hơn.
Tương tự, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, VINPA kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bỏ Quỹ bình ổn giá, VINPA tin rằng tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống DN đầu mối.
Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về nội dung báo cáo giám sát các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013 – 2018 đã đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần quỹ bình ổn, vì nhiều lý do như chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu…
Vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn gây nhiều tranh cãi |
Duy trì quỹ và tăng cường giám sát?
Trong khi người dân, DN kinh doanh xăng dầu đều kiến nghị bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thì cơ quan quản lý cho rằng mục tiêu của việc điều hành giá xăng dầu là để hạn chế, không để tác động của giá thế giới tạo ra những biến động, những cơn sốt giá ở trong nước ảnh hưởng bất lợi đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, việc giữ lại quỹ là cần thiết.
Trả lời báo chí gần đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết nếu không có quỹ thời gian qua, giá bán lẻ trong nước đã tăng rất mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhắc lại quan điểm điều hành xăng dầu theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước. Nhà nước không bỏ đồng ngân sách nào vào can thiệp điều hành mặt hàng này.
"Giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng cao, nếu không dùng Quỹ bình ổn, giá bán lẻ trong nước đã tăng cao hơn nhiều và tác động tới lạm phát kỳ vọng, ảnh hưởng tới quản lý điều hành kinh tế vĩ mô", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cũng cho rằng trong bối cảnh Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu, tức là quy định giá cơ sở đối với mặt hàng này thì nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Còn giá cơ sở xăng dầu thì Quỹ bình ổn giá vẫn còn tồn tại. Đây là công cụ điều tiết giá xăng dầu mỗi khi thị trường có biến động", ông Tuấn nói.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Văn Vy, Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Quỹ bình ổn vẫn cần duy trì để tránh việc tăng sốc. Có chăng điều cần thay đổi là làm sao có cơ chế để minh bạch hơn, tăng cường giám sát từ các bên hơn.
Đồng tình, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng khi giá xăng dầu Việt Nam còn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới vẫn nên giữ Quỹ. Lâu dài, Việt Nam không nhập khẩu xăng dầu thế giới, tức là không phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới sẽ có thể không cần quỹ này.
Tuy nhiên, theo ông Thỏa, cách quản lý quỹ cần cải tiến. Chỉ nên trích lập Quỹ khi giá xăng dầu hạ, DN kinh doanh có lãi và không trích lập khi giá tăng cao. Ngoài ra, ngay cả DN kinh doanh xăng dầu kinh doanh có lãi cũng phải trích ra lập Quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng đóng góp, để tạo sự công bằng.
Thanh Hoa