Các món ăn đặc trưng của Nhật Bản như sushi, sashimi, súp miso, mì udo, bánh Takoyaki, Mochi… đã không xa lạ với giới văn phòng, các bạn trẻ Việt Nam. Thậm chí, ăn đồ Nhật đã trở thành câu cửa miệng của dân văn phòng.
Món ăn Nhật đắt khách
Anh Nam (nhân viên văn phòng Hà Nội), cho biết anh và gia đình rất thích đồ ăn Nhật vì ít calories nhưng chứa nhiều dinh dưỡng. Hơn nữa các món ăn thường gồm đậu nành, nước dùng nấu từ cá, rau.
Anh Nam cũng cho biết không chỉ anh thích ăn đồ Nhật, cả phòng ban của anh ở cơ quan cũng đều rất thích. Mỗi lần cơ quan có dịp liên hoan, nhà hàng Nhật thường là ưu tiên hàng đầu.
Không chỉ đồ ăn có hương vị mang phong cách Nhật Bản, mà người dùng vào nhà hàng Nhật, phong cách bài trí đồ ăn, phục vụ khiến thực khách cảm thấy khá hài lòng.
Trong khi đó, chị Mỹ Hạnh (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ chị thích ăn đồ ăn Nhật vì ẩm thực Nhật Bản không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khoẻ, lại đẹp da cho chị em, ăn thoải mái mà không lo sợ nóng, sợ mụn.
Đặc biệt, công việc của chị Mỹ Hạnh thiên về ngoại giao, vì vậy mỗi lần có dịp tiếp khách đối tác cho công ty, chị thường lựa chọn nhà hàng Nhật vì yên tĩnh, dễ dàng vừa ăn vừa trao đổi công việc.
Chủ một quán ăn Nhật Bản (Giảng Võ, Hà Nội), chia sẻ khách hàng chính của cửa hàng hướng tới hiện nay không phải là người Nhật Bản mà chính là khách hàng Việt. Người Việt hiện nay rất quan tâm tới tới các món ăn Nhật Bản, ngày càng nhiều khách hàng người Việt Nam chọn các cửa hàng Nhật Bản để dùng bữa.
Không chỉ các nhà hàng ăn Nhật Bản thu hút người Việt, mà tại các quầy ăn đồ Nhật của Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Hà Nội), dễ dàng bắt gặp cảnh thực khách Việt sẵn sàng xếp hàng tiếng đồ chỉ để mua đồ ăn sẵn.
Các món sushi, sashimi ở đây chỉ 100.000 đồng – 150.000 đồng nên niều người chen lấn, xếp hàng để mua các món ăn tươi sống của Nhật Bản.
![]() |
Ngày càng có nhiều nhà hàng chuyên đồ ăn Nhật ra đời tại Việt Nam
Ngoài ra, các loại đồ ăn nhẹ Nhật Bản như cơm nắm (cá ngừ, cá hồi nướng, gà teriyaki) giá chỉ 7.500 – 10.000 đồng/ miếng), được khá nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người Việt cho biết họ chọn đồ ăn Nhật một phần vì trào lưu hiện nay “sính đồ Nhật”, song họ cũng không phủ nhận lí do các món ăn Nhật được lòng vì đồ ăn thường được làm từ cá tươi, các món gỏi cá hấp dẫn, phần ăn được thiết kế đẹp mắt, phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp.
Theo Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM, số lượng nhà hàng Nhật Bản ở Việt Nam hiện ước tính lên tới con số 1.000, trong đó Tp.HCM dẫn đầu với 659 nhà hàng.
Nở rộ dịch vụ
Trong đó, hơn một nửa trong số các nhà hàng Nhật ở Việt Nam là do người Nhật làm chủ và vận hành, còn lại do người Việt mua nhượng quyền hoặc tự mở mô hình kinh doanh của mình.
Sự phát triển các nhà hàng Nhật cũng giúp các dịch vụ cung ứng tăng trưởng theo, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm. Thời gian qua, khá nhiều đoàn DN Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm, thuỷ hải sản đã tìm đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam.
Được biết, bắt đầu từ ngày 1/11, 76 sản phẩm, trong đó chủ yếu là thực phẩm, thức uống, kem, bánh kẹo Nhật sẽ được đưa vào bán tại hệ thống các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Đây là dự án bán hàng thử nghiệm Japan Fair do Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản chủ trì và tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) thực hiện.
Thời gian gần đây, Jetro thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối đưa hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, thực phẩm Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Được biết, nhà hàng Nhật Bản bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam khoảng giữa thập niên 1990 và tăng nhanh về số lượng vào năm 2006-2007, nhưng đến giai đoạn 2010-2012 thì chững lại do số lượng nhà hàng Nhật nhắm đến khách Nhật đã tăng quá mức, dẫn đến tình trạng cạnh tranh như hiện nay.
Thy Lê