Ngày 1/10, Nikkei công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất. Theo đó, PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 53,7 điểm trong tháng 8 xuống còn 51,5 điểm trong tháng 9. Tốc độ cải thiện "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất đã chậm lại trong suốt 3 tháng qua.
![]() |
Việt Nam đã lùi về vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số PMI. |
Nhân tố chính làm giảm chỉ số PMI trong tháng 9 là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn. Sản lượng ngành sản xuất có tốc độ tăng yếu nhất kể từ tháng 3/2018. Tình trạng này cũng xảy ra với số lượng đơn đặt hàng mới.
Một khía cạnh tích cực hơn là mức độ tự tin trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục của tháng 8. Các kế hoạch phát triển của công ty và kỳ vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho tinh thần lạc quan về sản lượng tăng trong năm tới.
Với việc giảm xuống 51,5 điểm trong tháng 9, Việt Nam đã lùi về vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 9, bằng với Malaysia. Thay thế Việt Nam ở vị trí đứng đầu là Philippines với các điều kiện hoạt động cải thiện nhanh hơn một chút.
Công Trí