Đây là tháng thứ 3 ghi nhận chỉ số tăng liên tiếp. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khiến nhà sản xuất cũng đẩy mạnh việc mua nguyên liệu sản xuất và sử dụng nhiều lao động hơn.
Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 8 liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 2,5 năm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng dẫn đến sản lượng sản xuất tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng có mức tăng sản lượng mạnh nhất trong 3 lĩnh vực được khảo sát.
Trong bối cảnh sản lượng tăng, các nhà sản xuất đã sử dụng nhiều lao động hơn, ghi nhận mức tăng tháng thứ 3 liên tiếp, trở thành tháng có mức sử dụng lao nhất kể từ tháng 12/2018.
![]() |
PMI tháng 4 đạt 54,7 điểm, tăng 1,1 điểm phần trăm so với tháng trước (Ảnh Int) |
Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhờ sức cầu quốc tế được cải thiện.
Báo cáo của IHS Markit còn cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã được cải thiện, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng khiến giá cả đầu vào cũng tăng theo. Mức độ tăng chi phí vẫn lớn và chỉ chậm hơn một chút so với tháng 3. Các công ty tăng mạnh giá bán hàng hóa với mức tăng nhanh nhất trong gần một thập kỷ trở lại đây.
"Kỳ vọng đại dịch Covid-19 được kiểm soát dẫn đến sức cầu tăng và việc đưa ra những dòng sản phẩm mới đã hỗ trợ niềm tin của nhà sản xuất về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới", báo cáo nêu.
Tháng 3, PMI của Việt Nam đạt 53,6 điểm, cao hơn 2 điểm phần trăm so với tháng 2. Theo đó, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng nhanh hơn cho thấy "sức khỏe" của ngành sản xuất đã cải thiện mạnh mẽ.
Công Trí