Hơn một tháng qua, dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều nông thủy sản của Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu, đẩy giá chạm đáy. Trước tình cảnh người dân chịu thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đua nhau giải cứu tôm hùm, dưa hấu, thanh long và đạt được nhiều con số ấn tượng.
Nóng nhất trên “thị trường giải cứu” hiện nay là mặt hàng tôm hùm Phú Yên, Khánh Hòa đang được các đơn vị kinh doanh kêu gọi giải cứu với mức giá khác nhau, dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Quá nhiều mặt hàng phải giải cứu
Thậm chí, nhiều hệ thống nhà hàng lớn tại Hà Nội còn niêm yết giá giải cứu tôm tươi sống lên tới 1,1 triệu đồng/kg nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng do số lượng nhập về thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh tôm hùm, mặt một mặt hàng khác cũng đang được rao bán không kém phần sôi nổi là ngao 2 cùi có giá dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của một page bán hàng trên mạng xã hội Facebook, nhờ liên tục kêu gọi giải cứu mà sản lượng tiêu thụ của đơn vị này tăng mạnh trong những ngày vừa qua.
Quản lý của trang Facebook này cho biết, sở dĩ rao như vậy vì gần đây ngao 2 cùi Quảng Ninh khó xuất khẩu sang Trung Quốc nên hàng tồn nhiều, giá giảm một nửa. “Chỉ trong một tuần, chúng tôi bán được nửa tấn ngao 2 cùi, loại này trước đó thường có giá 150.000-160.000 đồng/kg”, người này chia sẻ.
Hàu sữa hiện cũng đang được kêu gọi giải cứu với giá 45.000 đồng/kg loại 8-10 con/kg. Không chỉ các loại hải sản đua nhau gắn mác giải cứu mà ngay cả trứng cút, bưởi, cam sành... cũng được nhiều người bán kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu – một người bán hàng trên mạng xã hội, nhờ cụm từ giải cứu mà chỉ trong vài ngày, chị bán được hàng trăm nghìn quả trứng chim cút với giá 30.000 đồng/100 quả.
Hay như mới đây, trên một số phương tiện truyền thông cho biết giá sầu riêng ở Tiền Giang đã giảm xuống chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg so với mức 55.000 - 60.000 đồng/kg trước thời điểm bùng phát dịch bệnh. Có thông tin còn cho rằng, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 40.000 tấn sầu riêng cần phải giải cứu vì không ai mua.
Theo đó, rất nhiều người đã chung tay để mua sầu riêng giải cứu, người mua ít thì một thùng, nhiều thì 4-5 thùng 8kg. Theo một chủ hàng, lượng sầu riêng đã bán được trong vài ngày qua khoảng 14 tấn, tương đương gần 2.000 thùng.
Hết thực phẩm, dân mạng lại hò nhau giải cứu hoa hồng Đà Lạt. Hàng loạt bài đăng kêu cứu hoa hồng với mức giá 1.000-2.000 đồng/bông, có nơi chỉ 700 đồng/bông, đã nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Theo chị T.L (nhân viên văn phòng tại Hà Nội): “Mình đã đặt mua 100 bông hoa với giá 100.000 đồng, đây là số tiền không lấy gì làm to tát đối với việc chung tay hỗ trợ người trồng hoa”.
Thực tế, hầu hết các đơn vị, cá nhân kinh doanh "gắn mác" giải cứu đều quảng cáo đây là hàng xuất khẩu nhưng do “tắc biên” nên phải quay về tiêu thụ trong nước với giá “rẻ chưa từng có”.
![]() |
Hàng loạt mặt hàng nông sản, trong đó có sầu riêng đang được kêu gọi giải cứu (Ảnh: Internet) |
Rẻ hóa đắt
Tuy nhiên, việc dân buôn úp mở trong việc đăng tin giải cứu khiến nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn, mua phải sản phẩm có giá bán và chất lượng không như quảng cáo, thậm chí giá cao hơn so với bình thường.
Thực tế, hàu bán tại các vựa cũng chỉ 40.000 đồng/kg, ngao 2 cùi 50.000-80.000 đồng/kg cho hàng loại 3 (size trên 30 con). Riêng với trứng cút tại các chợ dân sinh, giá bán hiện nay đang là 1.000 đồng 4 quả, nên với số tiền 30.000 đồng có thể mua được 120 trứng.
Hoặc đối với trường hợp tôm hùm, một chủ vựa hải sản ở chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam có rất nhiều loại tôm hùm như tôm hùm bông, tôm hùm sen, tôm hùm gai, tôm hùm xanh..., nhưng người dân nuôi phổ biến là tôm hùm bông và tôm hùm xanh.
Về giá cả, trong khi tôm hùm xanh loại lớn nhất cũng chỉ có giá chưa tới một nửa so với tôm hùm bông loại nhỏ nhất. Do đó, nếu không biết phân biệt, người mua rất dễ bị nhầm lẫn và mua phải tôm hùm xanh với giá của tôm hùm bông nhưng chất lượng thì không tương xứng.
Cũng theo chủ vựa này, “tôm hùm là mặt hàng không cần giải cứu”, nếu đang vào mùa, giá rẻ hơn vài chục nghìn đến 100.000 đồng/kg, còn tôm hùm chết ngộp giá thường chỉ 250.000 đồng/kg, nếu người tiêu dùng mua với giá 500.000 đồng/kg thì người bán đã lãi gấp đôi rồi.
"Ngay cả hàu sữa, ngao 2 cùi cũng là mặt hàng số lượng có hạn nên không thể có việc hàng ùn ứ cần giải cứu với số lượng lượng quá lớn như những người bán hàng đang rao", chủ vựa cho biết.
Không những bán giá đắt, chất lượng sản phẩm của mặt hàng "gắn mác" giải cứu còn bị khách than phiền. Mới đây, tài khoản Facebook có tên R.B.T đã đăng tải màn bổ sầu riêng hết sức đáng thất vọng sau khi bỏ ra đến 500.000 đổng để mua sầu riêng giải cứu để rồi ăn không ăn được mà trả lại cũng không xong.
Thực tế, giải cứu tức là bán giúp người nông dân không lấy lãi, bán được bao nhiêu sau khi trừ chi phí vận chuyển thì giá trị còn phải thuộc về người nông dân làm ra sản phẩm và chỉ sử dụng trong trường hợp “cực chẳng đã”.
Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay, cụm từ giải cứu đang được nhiều đối tượng sử dụng để trục lợi cá nhân, khiến môi trường kinh doanh sa sút, chất lượng sản phẩm sụt giảm.
Vân Linh