Cuối tháng 2/2018, Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành, quận 11, Tp.HCM đã chính thức đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là trung tâm thứ 4 của Parkson tại Việt Nam phải đóng cửa.
Ba trung tâm đóng cửa trước đó là Parkson Keangnam tại Hà Nội (đóng cửa tháng 1/2015), Parkson Paragon tại quận 7, Tp.HCM (5/2016), Parkson Viet Tower tại Hà Nội (12/2016).
Tất nhiên, việc nhà bán lẻ từng đạt được những thành công như Parkson dần đóng cửa các TTTM đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, do được quyết định bởi sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng (NTD).
Bách hóa tổng hợp đã lỗi thời
Vào Việt Nam từ năm 2005, mô hình Department Store (DS) – bách hóa tổng hợp của Parkson đã giới thiệu cho NTD Việt Nam những xu hướng mới, khu biệt mua sắm thông thường với mua sắm cao cấp trong các trung tâm khép kín.
Nhờ sự mới lạ ấy, trong giai đoạn 2005 – 2010, Parkson đã có những “tháng năm rực rỡ” tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình này bắt đầu bộc lộ nhược điểm.
Sau năm 2010, mô hình Shopping Mall (SM) – trung tâm mua sắm “tích hợp” dịch vụ giải trí, vui chơi dần xuất hiện, và đánh bại mô hình DS như của Parkson. Điển hình của mô hình SM có thể kể đến như Lotteria, Aone Mall, hay Vincom.
“Mô hình DS vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi, không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm…”, ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ của Savills Tp.HCM, đánh giá.
Với diện tích từ 45.000m2 đến hơn 60.000m2, mô hình SM – khu phức hợp với định nghĩa one-stop shopping – trải nghiệm mua sắm cộng thêm khu vực ăn uống, làm đẹp, siêu thị thậm chí cả trường học, ngân hàng… trở thành lựa chọn của không chỉ riêng tín đồ mua sắm mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh: Thực tế “liên tiếp phải đóng cửa các TTTM tại Việt Nam cho thấy muốn tồn tại, phát triển, doanh nghiệp (DN) phải thay đổi phương thức kinh doanh theo nhu cầu của thị trường, nếu không sẽ tự đào thải”.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thu nhập bình quân của người Việt hiện mới ở mức 2.148 USD/người/năm. Nhóm người có thu nhập từ 5.000 đến 7.000 USD/năm chỉ chiếm 10 – 20%.
Do đó, các loại hàng hiệu có giá từ vài triệu đồng trở lên không phù hợp với nhu cầu mua sắm của NTD Việt Nam. Việc Parkson chỉ hướng tới phục vụ nhóm khách hàng này thì việc đóng cửa TTTM là khó tránh.
![]() |
Các loại hàng hiệu có giá từ vài triệu đồng trở lên không phù hợp với nhu cầu mua sắm của NTD Việt Nam
Tích hợp với thương mại điện tử
Bà Loan cũng cho hay thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang phát triển mạnh mẽ, nhưng Parkson lại chưa chú trọng đến hình thức kinh doanh này, nên càng khó thu hút NTD.
Trong khi đó, ông Bình cũng nhận định rằng cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, NTD Việt Nam cũng ngày càng quen với sử dụng internet và xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng… Đó là những thành tố quan trọng để thúc đẩy và thay đổi thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD.
Với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, nhiều công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100% – 200%.
Những số liệu “khủng” trên cho thấy tiềm năng của mô hình TMĐT đang rất lớn và đang chiếm lĩnh thói quen NTD Việt.
Với ưu thế bán hàng trên các trang web, TMĐT không cần chi tiền để thuê mặt bằng trưng bày sản phẩm, tiết kiệm được những khoản chi phí khổng lồ. Và từ đó, dồn chi phí này vào việc chăm sóc khách hàng.
TMĐT cũng đang giúp NTD tiếp cận dễ dàng hơn với các mẫu mã, mặt hàng mới trên thị trường thế giới, đáp ứng được thị hiếu.
Đồng thời, với các DN cung cấp, TMĐT cũng giúp_tìm kiếm các bạn hàng mới, cơ hội kinh doanh mới cả trong nước và quốc tế. Với những ưu điểm này, TMĐT sẽ là mô hình kinh doanh chính của bán lẻ trong tương lai.
Những dịch vụ và tiện ích của TMĐT Việt Nam thời điểm này đang dần đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu và làm phong phú thị trường, tuy vẫn tồn tại khoảng cách lớn so với các nước phát triển về quy mô mua sắm và về số lượng cung ứng.
Thực tế, ngay các TTTM hiện đại cũng đang dần phụ thuộc vào TMĐT để gia tăng doanh số. Một cách hình tượng, từ góc độ cạnh tranh, chính những nhà bán lẻ trong các TTTM đang kết hợp với TMĐT để kinh doanh, phát triển.
Tuấn Dũng