Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội đã mở cửa trở lại hoàn toàn. Hàng loạt sản phẩm du lịch đã được kích hoạt, trong đó du lịch xanh, thân thiện với môi trường được chú trọng.
Nhiều hoạt động phong phú
Điển hình là tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia; hàng loạt tour xe đạp do Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) và nhiều đơn vị trong Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen thiết kế và xây dựng đã được tổ chức.
Hay như trong dịp diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), các sản phẩm du lịch đạp xe cũng được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu trong danh sách 28 tour du lịch tiêu biểu của Thủ đô, như: Tour xe đạp khám phá Cổ Loa (huyện Đông Anh), Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”…
Du lịch xanh Ba Vì là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. |
Theo chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, du lịch bằng xe đạp giúp du khách có trải nghiệm mới mẻ các cung đường, cải thiện sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm thân thiện, kết nối các điểm nội thành và ngoại thành.
Cũng trong dịp diễn ra SEA Games 31, Công ty cổ phần Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) đã khởi động lại sản phẩm “Du lịch xanh trong thành phố xanh với phương tiện giao thông sạch” chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2022 và SEA Games 31.
Theo đó, du khách được trải nghiệm 3 tour khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện, với thời gian từ 35 - 40 phút.
Ông Hoàng Công Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, tour khám phá phố cổ Hà Nội bằng xe điện đã được triển khai từ năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm du lịch này có lúc tạm dừng hoạt động để thực hiện an toàn phòng chống dịch.
“Du lịch Hà Nội đang từng bước khôi phục. Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của Hà Nội, thu hút du khách, đặc biệt trong dịp SEA Games 31, chúng tôi đã kích hoạt lại sản phẩm du lịch bằng xe điện”, ông Hoàng Công Anh nói.
Mở rộng hơn ở khu vực ngoại thành, các điểm du lịch tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thạch Thất… cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh. Nổi bật là sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc của người Dao, huyện Ba Vì; các hoạt động trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thất…
Gần đây, di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) cũng được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái - du lịch văn hóa phát triển được nhiều người tìm đến. Không chỉ có tài nguyên nhân văn là hệ thống di tích đình, chùa, lễ hội truyền thống, Quần thể Hương Sơn còn sở hữu tài nguyên sinh thái phong phú gồm hệ thống núi non, hang động, rừng đặc dụng...
Khai thác lợi thế, những năm qua, nhiều hộ gia đình sống trong khu vực Hương Sơn đã phát triển mô hình du lịch nhà vườn kết hợp với du lịch sinh thái để thu hút du khách. Sau khi tham quan, chiêm bái tại các điểm di tích, du khách được thưởng thức đặc sản địa phương, tham gia các hoạt động câu cá, bơi thuyền, leo núi, khám phá hang động, tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của cư dân bản địa.
Nhờ đó, du lịch mùa vụ đã dần được xóa bỏ, thay vào đó, lượng khách đã tới Hương Sơn vào các thời điểm trong năm. Theo thống kê, doanh thu từ các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tại đây hiện chiếm tỷ trọng 34,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Đức.
Nâng tầm phát triển du lịch xanh
GS.TS Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nhận xét, du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trên thế giới, du lịch xanh đang là xu hướng phát triển hiện nay. Đây cũng là hướng đi tất yếu để du lịch phát triển bền vững.
Mặc dù du lịch xanh đang được đẩy mạnh khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm mới, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, phát triển du lịch xanh tại Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng vẫn đang gặp không ít trở ngại do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh đưa ra giải pháp: các câu lạc bộ du lịch cần có sự chia sẻ, liên kết cùng nhau bảo vệ môi trường. Ví dụ như khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa; tư vấn cho khách không mang túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch.
Trong khi đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho rằng, cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư để phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, xã hội, các địa phương.
Ngoài ra, hạn chế lớn nhất hiện nay của các mô hình du lịch xanh chính là sự thiếu chuyên nghiệp trong các khâu phục vụ du khách.
Đơn cử như mô hình du lịch - sinh thái - làng nghề ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín mặc dù đủ điều kiện phát triển mô hình này với không gian sinh thái rộng, nhiều di tích lịch sử, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp..., song du khách đến đây mới chỉ dừng ở tham quan. Xã Hồng Vân cần nâng tầm, hướng tới phục vụ du khách ăn, nghỉ, thưởng thức bài bản hơn.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách về các mô hình du lịch sinh thái ven đô. Năm 2022, Sở Du lịch đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn về xây dựng sản phẩm du lịch cho mô hình điểm tại các huyện, thị xã dưới dạng "cầm tay chỉ việc" với nông dân, cán bộ cơ sở; gắn đào tạo với tham quan, học tập các mô hình điểm. Sở Du lịch cũng đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, nhằm phát triển du lịch xanh, trở thành xu hướng tất yếu cho du lịch Hà Nội phát triển bền vững.
Hải Giang