Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, số liệu, kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra, bảo đảm chính xác, khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Quy hoạch phát triển điện mặt trời bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm. |
Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.
Lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.
Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ chỉ ra Bộ Công Thương không thực hiện đúng quy định lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, không đúng thời kỳ quy hoạch đến năm 2020; chậm trễ lập, trình phê duyệt quy hoạch sau gần 20 tháng kể từ khi ban hành quyết định về phát triển điện mặt trời, hiệu lực thi hành chỉ còn 6,5 tháng.
Đáng chú ý, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt là 850MW nhưng Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521MW, trong khi không có quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 được lập, được xác định là không có căn cứ pháp lý.
Rà soát trên cơ sở pháp lý, kết luận thanh tra cũng cho rằng việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50MW vào quy hoạch cấp tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt dự án trên 50MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh là không có căn cứ pháp lý.
Dẫn chứng thực tế, từ năm 2016 đến 2020 đã phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực các cấp 557 dự án nguồn điện. Riêng với điện mặt trời, đã phê duyệt 168 dự án tổng công suất 14.707 MW/850MW, cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Cộng thêm với 7.864MW nguồn điện mặt trời mái nhà, nâng tổng công suất lên thành 16.506MW, cao gấp gần 20 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gây nhiều khó khăn cho vận hành.
Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506MW, cao gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 34, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét và kết luận Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh...
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và các cá nhân, như: Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo…
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cấp ủy, tổ chức đảng ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm, báo cáo kết quả về Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức Đảng, Đảng viên tại các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.
Thy Lê