Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 ngày 26/6, ông Tomasso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị về rào cản kỹ thuật mà ngành công nghiệp ôtô đang gặp phải.
Cần Bộ GTVT phản hồi
Về yêu cầu kiểm định đối với ngành kinh doanh ôtô, cụ thể là quy định đăng kiểm các phương tiện CBU nhập khẩu (NK) theo quy định của Nghị định 116, ông Tomaso cho biết, Bộ GTVT vẫn chưa phản hồi phần lớn các rào cản kỹ thuật đã nêu ra tại Diễn đàn trước và DN hy vọng sớm nhận được thông tin từ Bộ này.
Trái lại, dự thảo Thông tư mới nhất về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất và lắp ráp ôtô theo quy định tại Nghị định 116/2017/ ND-CP (Nghị định 116) mà Việt Nam đã thông báo cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy các rào cản kỹ thuật đối với thương mại vẫn đang tiếp diễn.
EuroCham kiến nghị, Bộ GTVT cần có phản hồi chính thức các vấn đề về ôtô mà VBF nêu trong lần này. Quy trình đăng kiểm áp dụng cho cả phương tiện CBU NK đang gây ra những trở ngại đối với thương mại liên quan đến vấn đề an toàn như tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian và không cần thiết.
Nhằm giải quyết các bất cập nêu trên, DN đề xuất Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 116 và xem xét yêu cầu của ngành công nghiệp ôtô để hợp lý hóa các thủ tục kiểm định CBU, trong đó nêu rõ quy trình kiểm tra cần theo hướng áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.
Theo đó, chỉ kiểm tra mẫu ôtô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng thay vì áp dụng cho từng lô xe NK. EuroCham đề xuất, việc kiểm tra mẫu ô tô đại diện này chỉ nên được thực hiện lần đầu tiên cho mỗi kiểu loại xe.
Về đăng kiểm các phụ tùng, linh kiện liên quan đến an toàn theo Thông tư 41, EuroCham cho rằng việc thực hiện lặp lại quy trình đăng kiểm rõ ràng là không cần thiết đối với tất cả các phụ tùng đã được lắp đặt sẵn trong tất cả các mẫu xe CBU đã được chứng nhận đăng kiểm bởi Cục Đăng kiểm.
Vì thế, DN một lần nữa đề xuất, việc hủy bỏ Thông tư 41/2018/ TT-BGTVT của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 15/9/2018 hướng dẫn chi tiết Nghị định 74/2018/ ND-CP (Thông tư 41), hoặc giới hạn đối tượng áp dụng cho các phụ tùng không được tích hợp sẵn trong các mẫu xe CBU đã được duyệt đăng kiểm bởi Cục Đăng kiểm.
Về kiểm định linh kiện xe CKD, theo EuroCham, Bộ GTVT cần xem xét lại Nghị định 116 theo hướng chấp nhận giấy chứng nhận ECE cho linh kiện lắp ráp CKD. Điều này nhằm tránh những chi phí không cần thiết và gánh nặng hành chính do kiểm định trùng lắp/kiểm toán COP.
Ngoài ra, Bộ GTVT xem xét dự thảo thông tư cho linh kiện CKD, chấp nhận thời hạn hiệu lực 3 năm cho các hồ sơ chứng nhận đã đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116 và thông tư mới.
Phần lớn những kiến nghị về các rào cản kỹ thuật với ngành ôtô chưa được giải quyết |
Nan giải bài toán nội địa hóa
Phản hồi kiến nghị của DN, bà Lê Thị Thu Hương, đại diện Bộ GTVT, cho biết mặc dù Nghị định 116 và Thông tư 41 có nhiều hạn chế, Bộ GTVT chỉ có thể sửa đổi bổ sung quy trình kiểm tra, áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro của hàng hoá, mức độ tuân thủ pháp luật của DN, từ đó cải tiến rút gọn quy trình thủ tục đăng kiểm.
Về đề xuất bãi bỏ Thông tư 41 áp dụng cho các phụ tùng không được tích hợp sẵn trong các mẫu xe CBU, qua trao đổi với Cục Đăng kiểm, bà Hương thông tin việc kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện nên vẫn phải thực hiện kiểm tra, tuy nhiên sẽ cải tiến lại thủ tục tương tự như ôtô NK.
Cùng với những kiến nghị liên quan tới rào cản kỹ thuật, đại diện Nhóm Công tác Ôtô – Xe máy của VBF cũng đề cập tới vấn đề nội địa hóa.
Theo đó, thời gian qua, một số quyết định hoặc nghị định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách vì không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế NK xe CBU về 0% từ năm 2018. Đồng thời, thủ tục đăng ký khá phức tạp.
Do vậy, Nhóm công tác kiến nghị, Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá… nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.
Chính phủ cũng không nên áp dụng thuế NK đối với nguyên vật liệu dùng để sản xuất linh kiện, phụ tùng. Đồng thời, mời các nhà cung cấp chính tham gia các cuộc đối thoại về ngành ôtô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng, sau đó cần báo cáo Thủ tướng thường xuyên hơn để cải thiện tính khả thi của chính sách ban hành.
Đối với các nhà cung cấp, các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 không nên đặt tham vọng “nhảy cóc” lên thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn mà nên tập trung đáp ứng các yêu cầu về QCD (chất lượng, chi phí, giao hàng).
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nên tham gia các chương trình kết nối cơ sở dữ liệu và kinh doanh, xây dựng thông tin giới thiệu công ty đầy đủ và hấp dẫn.
Thy Lê