Mới đây, công ty ôtô Toyota Việt Nam cho biết để sản xuất một chiếc ôtô cần đến khoảng 30.000 linh kiện khác nhau và cần đến một số lượng lớn các loại vật liệu khác nhau như linh kiện kim loại, nhựa, cao su… và các linh kiện điện tử.
Chi phí sản xuất lớn
Ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc khối hoạch định chiến lược của Toyota Việt Nam, đánh giá thị trường ôtô Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt vì dân số đông và GDP tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, sản xuất ôtô sẽ rất khó khăn để tồn tại khi thuế nhập khẩu (NK) xe nguyên chiếc bằng 0% vào năm 2018. Xe NK từ Thái Lan và Indonesia sẽ cạnh tranh mạnh mẽ vì có chi phí sản xuất thấp hơn xe ở Việt Nam.
Hơn nữa, việc nội địa hóa cần phải cắt giảm được các chi phí. Nếu chi phí sản xuất một chi tiết ở Việt Nam thấp hơn việc NK chi tiết từ nước ngoài (bao gồm chi phí sản xuất + thuế NK + chi phí đóng gói vận chuyển) có thể bắt đầu nội địa hóa ở Việt Nam, nếu không sẽ buộc phải NK từ nước ngoài. Hiện tại, phần lớn linh kiện ôtô phải NK.
Do thị trường ôtô Việt Nam nhỏ, sản lượng nhỏ, khấu hao đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao hơn khu vực nên chi phí sản xuất linh kiện, phụ tùng ở Việt Nam cao hơn các nước ASEAN.
Công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển, Việt Nam phải NK phần lớn linh kiện, phụ tùng, nên nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế NK. Tổng chi phí sản xuất cả chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với chi phí sản xuất xe ở Thái Lan hay Indonesia.
Tóm lại, đại diện Toyota cho rằng chi phí sản xuất xe ôtô và linh kiện trong nước hiện cao hơn NK. Từ năm 2018, thuế NK xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, xe NK nguyên chiếc sẽ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, ngành sản xuất ôtô trong nước sẽ rất khó để cạnh tranh và tồn tại.
Để phát triển thị trường, Toyota đề xuất chính sách thuế và các chính sách liên quan đến ôtô cần ổn định và đồng bộ nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững (bao gồm duy trì một tỷ lệ hợp lý xe lắp ráp trong nước/xe NK nguyên chiếc).
Đồng thời, hỗ trợ sản xuất, giải pháp ngắn hạn là giảm/bãi bỏ thuế NK đối với vật tư và linh kiện nhỏ do các nhà cung ứng NK. Tiếp đó, Nhà nước cần có ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất/lắp ráp ôtô để duy trì sản xuất trong nước khi thị trường chưa đủ lớn (hỗ trợ có thời hạn, mức hỗ trợ hạn chế, không gắn với điều kiện về sản lượng và nội địa hóa).
![]() |
Tham gia CPTPP, giai đoạn buộc DN nước ngoài chuyển giao công nghệ gắn với ưu đãi sẽ không còn |
Doanh nghiệp Việt phải "tự lớn"
Về dài hạn, hỗ trợ việc nội địa hóa cho cả nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất linh kiện (phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đầu tư khuôn, đồ gá).
Đặc biệt, để trở thành nhà cung cấp linh kiện ôtô, các nhà cung ứng nguyên phụ liệu Việt Nam phải cải thiện năng lực trên mọi lĩnh vực để đáp ứng các yêu cầu cơ bản và yêu cầu về khả năng cung cấp.
Đánh giá về các kiến nghị trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng quy trình chuyển giao công nghệ gồm 4 bước: đại lý phân phối, lắp ráp gia công, sản xuất theo giấy phép công ty mẹ và tự nghiên cứu công nghệ sản xuất.
Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn lắp ráp gia công, chỉ một vài công ty sản xuất theo giấy phép công ty mẹ. "Chúng ta dường như vẫn khá ngây thơ, cả tin, ngộ nhận lòng tốt tự động chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp (DN) FDI", ông Phong chia sẻ.
Ông Phong cũng bày tỏ khá thất vọng trước đề xuất của Toyota, nếu không được đáp ứng, nhiều khả năng họ sẽ chuyển nhà máy sang các nước khác. Điều này cảnh báo giai đoạn mới, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn. Tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giai đoạn buộc DN nước ngoài chuyển giao công nghệ gắn với ưu đãi không còn nữa.
Để vượt qua, Việt Nam cần phải có đột phá ở chính sách. Nhà nước thay vì thiết kế một chiến lược công nghiệp hóa toàn diện, một sản phẩm made in Vietnam 100% nên lựa chọn sản phẩm định vị trung gian như có những DN chuyên sản xuất đinh vít chẳng hạn.
Việt Nam phải lấy những đối tác nằm trong các hiệp định thương mại tự do, theo đó sản xuất và thiết kế chuỗi sản phẩm gắn với tiêu chuẩn mà những nước này đưa ra.
Đặc biệt, tổ chức DN sản xuất theo chuỗi, trong đó có tập đoàn lớn đứng đầu. DN FDI chỉ sẵn sàng hợp tác khi DN Việt đã "cứng".
"Chúng ta phải "tự lớn", lớn thì họ mới cần, chứ không thì đừng hy vọng", ông Phong nói.
Đồng thời, theo các chuyên gia, Việt Nam cần cố gắng gắn chính sách hỗ trợ với chuyển giao công nghệ. DN FDI nào chuyển giao công nghệ cho DN Việt sẽ được hỗ trợ, còn không thì bị rút. Tránh tình trạng như vừa qua, suốt thời gian dài miễn thuế, ưu đãi đất đai… mà họ không chuyển giao, chúng ta cũng chẳng làm được gì.
Thy Lê