Về xuất khẩu, nửa đầu tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 2,86 tỷ USD, chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,24 tỷ USD, chiếm 14,85%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may với các kết quả lần lượt là: 1,63 tỷ USD, chiếm 10,8%; gần 1,3 tỷ USD, chiếm 8,55%.
Riêng 4 nhóm hàng chủ lực chiếm tới 53,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tại nhóm nông thủy sản, ngoại trừ hàng thủy sản giảm 1,2% (còn 317,9 triệu USD) và hạt tiêu giảm 1,6% (còn 29,7 triệu), các mặt hàng còn lại trong nhóm đều tăng trưởng tốt.
Nửa đầu tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. |
Cụ thể, hàng rau quả tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 229,3 triệu USD; cà phê tăng 39,7%, đạt 282 triệu USD; hạt điều tăng 32,1%, đạt 161 triệu USD; chè tăng 27%, đạt 9,4 triệu USD; gạo tăng 17,2%, đạt 134 triệu USD. Riêng sắn và sản phẩm sắn đã tăng tới 64,2%, đạt 105,3 triệu USD.
Trong nhóm lâm sản, gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 7,5%, đạt 629 triệu USD; giấy và các phẩm giấy tăng 3,7%, đạt 175 triệu USD…
Nhìn chung, trong tổng 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có 17 mặt hàng có trị giá xuất khẩu âm so với cùng kỳ năm trước và có 28 mặt hàng có kim ngạch cao hơn.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 1 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với kỳ trước, trong đó kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 9,48 tỷ USD.
Trong nhóm nông thủy sản, Việt Nam nhập khẩu hàng rau quả tăng 7,8% về trị giá, lên mức 107 triệu USD; lúa mì tăng tới 61%, lên mức 86 triệu USD. Riêng đậu tương ghi nhận tăng 226%, đạt mức 60 triệu USD.
Ngược lại, thủy sản giảm 13,9%, đạt 108 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa giảm 3,5%, còn 38 triệu USD; hạt điều giảm 4,3%, ở mức 54 triệu USD; ngô giảm 13%, còn 101 triệu USD. Dầu mỡ động thực vật cũng giảm 24,4% với kim ngạch 36,8 triệu USD.
Nửa đầu tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi với 227 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón nhập khẩu cũng cao gấp 1,9 lần về lượng với 187.834 tấn (cùng kỳ đạt 97.337 tấn); tăng 40,6% về trị giá, đạt 55 triệu USD.
Đối với các mặt hàng nguyên liệu khác, Việt Nam nhập khẩu 74.062 tấn bông và 48.840 tấn xơ, sợi, tương ứng tăng lần lượt 90% và 23% so với cùng kỳ. Lượng nhập khẩu sắt thép cũng tăng gần gấp 2 lần, từ 376.532 tấn lên 738.940 tấn.
Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chính, có 34 mặt hàng nhập khẩu có trị giá cao hơn so với cùng kỳ và 19 mặt hàng có kim ngạch đi lùi. Như vậy, cán cân thương mại 15 ngày qua thặng dư khoảng 400 triệu USD.
Nguyễn Hạnh