Báo cáo phân tích của Euromonitor từng nhận định thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức khoảng 11% mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá những chuyển động mới từ thị trường này có thể đưa mức tăng trưởng đạt tới 20%/năm.
So kè dịch vụ đồ ăn
Có thể thấy, chỉ trong vòng một năm, với sự châm ngòi của Grab, cách vươn lên mạnh mẽ của Go-Viet, đã phá vỡ thế độc quyền của Now, khiến thị trường giao nhận thức ăn theo đó cũng bùng nổ cuộc chiến mới.
Giữa năm 2018, khi hàng loạt tên tuổi lớn như Foodpanda, Vietnammm, Lala… – những cái tên đặt viên gạch đầu tiên cho dịch vụ gọi món tại Việt Nam – đã rút hoàn toàn khỏi thị trường, thì Grab công bố chính thức triển khai GrabFood và Go-Viet ra mắt GoFood.
Điều này đã khiến cho cục diện giao nhận thức ăn đã hoàn toàn thay đổi. Cùng với “người cũ” là Now và sự xuất hiện của hai tân binh là GrabFood, GoFood khiến thị trường giao nhận thức ăn đã hình thành một “thế chân vạc”.
Đáng chú ý, thời điểm đó, thị trường đánh giá GrabFood sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất, bởi nền tảng này đã có lợi thế về công nghệ, một hệ sinh thái khách hàng lớn và độ phủ tài xế ra khắp các thành phố lớn.
Theo một công bố hồi tháng 5 của Grab, mảng dịch vụ GrabFood tăng trưởng gấp 250 lần sau một năm ra mắt và trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Khảo sát được công bố vào cuối tháng 4/2019 bởi Kanta cho thấy có đến 81% người dùng tại Hà Nội và Tp.HCM chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất trong số các dịch vụ giao nhận thức ăn. Tỷ lệ này vào tháng 10/2018 là 48% và 68% vào tháng 1/2019. Tốc độ này cũng đưa Grab vượt qua Now, dẫn đầu thị trường đồ ăn, dù “sinh sau đẻ muộn”.
Tuy nhiên, mới đây, GoViet đã tuyên bố sau 7 tháng vận hành, GoFood là dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Theo GoViet, hãng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hàng chục nghìn đối tác nhà hàng rất nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, mở rộng mô hình kinh doanh, cải thiện doanh thu. Đến nay, GoViet đã tiếp cận 70.000 nhà hàng, hơn 1 triệu món ăn, phục vụ hàng trăm nghìn đơn hàng và tăng trưởng 25 – 35% mỗi tháng.
Như vậy, so với 2 tân binh, Now – ứng dụng được xem là đi tiên phong khai phá thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam dường như đang dần nhạt nhoà.
Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần dịch vụ đồ ăn trực tuyến ngày càng khốc liệt |
Ai hưởng lợi từ cuộc đua khốc liệt?
Sự xoay chuyển liên tục ở các vị trí dẫn đầu càng chứng minh sự khốc liệt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần dịch vụ đồ ăn trực tuyến.
Không chỉ liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, các ứng dụng này liên tục rót vốn mở rộng đầu tư, cải tiến chất lượng dịch vụ. Trong đó, thay đổi rõ rệt nhất đến từ tốc độ giao thức ăn, khi hầu như tất cả các dịch vụ đều tập trung để cải thiện tốc độ giao hàng.
Điển hình, hồi tháng 5, GrabFood tuyên bố đã mở rộng quy mô hoạt động ra 15 tỉnh thành, cùng với đó rút ngắn thời gian giao hàng trung bình còn khoảng 20 phút. Sang tháng 8, GoFood cũng thông báo đã mở rộng hoạt động ra 15 tỉnh thành, thời gian giao trung bình chỉ 20 phút.
Ngay cả Now – “cựu binh” với vị trí vững chắc trên thị trường cũng đang phải chấn chỉnh lại tốc độ để đuổi kịp các đối thủ đáng gờm.
Trên website Foody. vn nhận được khá nhiều phản hồi phàn nàn của khách hàng về thời gian giao hàng lâu. Tài khoản tên Thông chia sẻ: “Trưa ngày 19/7 đặt đồ ăn từ một cửa hàng trên Now. Từ 12h mà đến tận 13h vẫn chưa thấy tìm được shipper, trong khi đơn hàng thì lại xác nhận rồi (không hủy được đơn). Nhắn cho nhân viên thì không phản hồi lại”. Tài khoản này thông tin thêm: “Trước đây tôi đã bị một lần như thế rồi”.
Theo các chuyên gia, sự ra đời của các nền tảng giao thức ăn trực tuyến sẽ tạo nên sự cạnh tranh. Do đó, không chỉ khách hàng hưởng lợi mà chắc chắn sẽ giúp nhiều nhà hàng, quán ăn “ăn nên làm ra”. Đặc biệt, với những hàng quán nhỏ lẻ, không có một vị trí đắc địa hay đội ngũ và nguồn lực tài chính lớn mạnh để đầu tư vào các hoạt động quảng bá chuyên sâu, dịch vụ giao nhận thức ăn sẽ cho họ một giải pháp kinh doanh mới, giúp mở rộng phạm vi cơ sở khách hàng cũng như tận dụng lực lượng shipper sẵn có. Thậm chí, một số đối tác kinh doanh GrabFood đã có mức bình quân thu nhập ròng tăng đến 300% khi tham gia nền tảng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường đều có tiềm lực lớn về nguồn vốn, công nghệ và hệ sinh thái. Do đó, để tạo được sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải làm thoả mãn nhu cầu thưởng thức đa dạng các món ăn của người dùng.
Khảo sát trên ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến của GrabFood, Now và GoFood có thể thấy trong khi Now mang đến hàng loạt bộ sưu tập món ăn, tận dụng tài nguyên từ nền tảng Foody để tạo nên sức hấp dẫn, GrabFood cũng không kém sáng tạo khi triển khai chương trình “Món độc quán quen”, kết hợp với các đối tác nhà hàng, quán ăn để tạo nên các món ăn độc nhất chỉ có trên nền tảng, thì “bảng” gọi món của GoFood vẫn còn khá sơ sài.
Thanh Hoa