Trong kỳ đầu tiên của tháng 02/2023, thặng dư thương mại hàng hóa là 1,07 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2023, xuất siêu hàng hóa là 1,68 tỷ USD.
![]() |
Nhập khẩu nguyên liệu gia tăng. |
Xuất khẩu của Việt Nam giảm 9,2%
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong kỳ đầu tiên của tháng 02/2023 (từ ngày 01/02 đến 15/02/2023), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 25,82 tỷ USD, tăng 42,8% (tương ứng tăng 7,74 tỷ USD) so với kết quả nửa cuối tháng 1 năm 2023.
Kết quả này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính đến ngày 15/2/2023 đạt 72,32 tỷ USD, giảm 13,7%, tương đương 11,46 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022, theo Tổng cục Hải quan.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 51,8 tỷ USD, giảm 11,5% (tương ứng giảm 6,74 tỷ USD).
Trong nửa đầu tháng 02/2023, thặng dư thương mại hàng hóa là 1,07 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2023, xuất siêu hàng hóa là 1,68 tỷ USD.
Về xuất khẩu, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/2/2023, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,44 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với nửa cuối tháng 01/2023.
Trị giá hàng hóa xuất khẩu nửa đầu tháng 02/2023 so với nửa cuối tháng 01/2023 tăng 718 triệu USD, tương ứng tăng 53,9%, ở các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; tăng 560 triệu USD, tương ứng tăng 47,7% ở máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; tăng 528 triệu USD, tương ứng tăng 77,9% đối với hàng hàng dệt may; tăng 282 triệu USD, tương ứng tăng 88,4% của phương tiện vận tải & phụ tùng khác, ...
Kết quả, tính đến ngày 15/2/2023, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 37 tỷ USD, giảm 9,2% tương ứng giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước là 72,3 tỷ USD, giảm 11,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta có tín hiệu tích cực, với mức xuất siêu 1,7 tỷ USD, so với mức thâm hụt 2,5 tỷ USD một năm trước đó.
Nguyên nhân khiến mặt hàng chủ lực sụt giảm xuất khẩu
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy sự sụt giảm rõ rệt ở một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù đã được dự báo trước nhưng khá bất ngờ khi hàng loạt mặt hàng tỷ đô đồng loạt giảm mạnh.
Cụ thể, do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế tại các thị trường lớn, xuất khẩu hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến 15/2 chỉ đạt 37 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số nhóm hàng chủ yếu có dấu hiệu sụt giảm mạnh như dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, điện tử và linh kiện…
“Hàng dệt may giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD, tương ứng giảm 35,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 574 triệu USD, giảm 9,9%; sắt thép các loại giảm 352 triệu USD, tương ứng giảm 34,8%... so với cùng kỳ năm 2022”, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan.
Trong nửa đầu tháng 02/2023, trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 10,14 tỷ USD, tăng 42% tương ứng tăng 3 tỷ USD so với nửa cuối tháng 01/2023.
Tính đến ngày 15/02/2023, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này là 28,07 tỷ USD, giảm 5,4%, tương ứng giảm 1,59 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 75,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ngược lại, về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 02/2023 đạt 12,38 tỷ USD, tăng 36,6% so với nửa cuối tháng 01/2023 (tương đương 3,32 tỷ USD về trị giá tuyệt đối).
Trị giá nhập khẩu hàng hóa đợt nửa đầu tháng 02/2023 tăng so với nửa cuối tháng 01/2023 chủ yếu do nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 645 triệu USD, tương ứng tăng 24,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 465 triệu USD, tương ứng tăng 43,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 203 triệu USD, tương ứng tăng 100,2%...
Như vậy, tính đến ngày 15/02/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước là 35,32 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng 7,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,78 tỷ USD, giảm 62,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 1,42 tỷ USD, giảm 25%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 904 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kỳ hiện nay đạt 8,19 tỷ USD, tăng 35,1% (tương ứng tăng 2,13 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 01/2023.
Tính đến ngày 15/02/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp này là 23,73 tỷ USD, giảm 17,8% (tương ứng 5,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 67,2% trong tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt 371 tỷ USD vào năm 2022.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 6%, giá trị xuất khẩu dự kiến năm 2023 đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022.
Với hoạt động xuất khẩu còn bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh ở nhiều nhóm hàng chủ lực, mục tiêu xuất khẩu năm nay sẽ là một thách thức khá lớn.
T.V