Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (gọi tắt là Tổ công tác 970) của Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 25/7/2021, có tổng số 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đã đăng ký với Tổ công tác. Bao gồm: rau củ 85 đầu mối, trái cây 102 đầu mối, thủy hải sản 157 đầu mối, lương thực 24 đầu mối, các mặt hàng khác 20 đầu mối.
Việc tiêu thụ nhãn đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19. |
Trong tổng số 388 đầu mối đăng ký qua Tổ công tác 970, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7/2021 dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và khóm (dứa). Trong khi đó, dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung từ các đầu mối là trên 700 tấn/ngày, nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn.
Chanh các loại ghi nhận tăng đột biến. Thủy sản ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông.
Tổ công tác 970 dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Ido, dứa, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ có cung vượt cầu.
Về tiêu thụ, Tổ công tác cho biết, đã trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công tới 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24 đơn hàng được báo cáo qua Tổ. Số lượng giao dịch thực tế rất lớn do người mua tìm được đầu mối liên lạc ở các tỉnh và liên hệ trực tiếp để mua.
Hầu hết các tỉnh đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tỉnh mua hàng.
Nhiều tỉnh hình thành các điểm bán hàng nhu yếu phẩm cho người dân đáp ứng các biện pháp phòng dịch như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), TP Bến Tre, TP Vị Thanh - Hậu Giang… Tuy nhiên, còn nhiều huyện không nắm sát tình hình sản xuất và cung cấp hàng hóa, số liệu sản lượng không chính xác, khi tìm được doanh nghiệp mua hàng thì tỉnh đã hết hàng hoặc không có năng lực gom hàng.
Bên cạnh đó, Tổ công tác 970 cũng phát hiện có dấu hiệu thiếu hàng hóa cục bộ trong hệ thống các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh do đứt gãy vận chuyển từ các kho tổng; một số siêu thị, như ở Bến Tre tăng rất lớn lượng rau mua từ các tỉnh khác.
Lê Thúy