Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may của thành phố đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đều đã chốt xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019 (Ảnh Internet) |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đều đã chốt xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019. Từ đó cho thấy triển vọng của ngành dệt may trong năm nay khá khả quan.
Cùng với các tín hiệu tích cực từ đơn hàng, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang hấp dẫn với khách hàng nhờ khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, dịch vụ so với một số cường quốc về dệt may trong khu vực. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang dần hoàn chỉnh do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực đang tạo ra sức hút rất lớn về đơn hàng cho ngành này.
Dù dồi dào đơn hàng nhưng các doanh nghiệp cũng nhìn nhận ngành dệt may đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khá lớn với các nước trong khu vực về giá nhân công và các chi phí đầu vào khác. Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, việc áp dụng công nghệ, đầu tư thiết bị để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất là giải pháp được Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện trong suốt thời gian qua.
Công Trí