Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại thâm hụt 1,85 tỷ USD, mức cao nhất từ đầu năm, khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm đến nay lên tới 1,01 tỷ USD. Trước đó, nửa đầu tháng 4, thương mại cũng rơi vào tình trạng nhập siêu gần 750 triệu USD.
Cán cân thương mại trong tháng 4 và tháng 5 đã liên tục trong tình trạng nhập siêu với mức thâm hụt khá lớn (Ảnh Internet) |
Bên cạnh lý do kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ tháng 4 và đặc biệt là tháng 5, theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, nhất là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang và việc Anh rời khỏi EU có diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương dự báo, sự sụt giảm nhu cầu đối với mặt hàng điện thoại di động phân khúc cao cấp trên toàn cầu trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm còn do sự đi xuống của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác, đáng chú ý là nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm tới nay, có tới 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, bởi xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại.
Công Trí