Trong thời gian gần đây, hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ đang là vấn đề gây nhức nhối cho ngành y tế. Ngoài những cơ sở được đầu tư sang trọng, chuyên nghiệp, hướng đến nhóm khách hàng thu nhập cao, vẫn có những cơ sở nhỏ và vừa, làm đủ dịch vụ theo xu hướng, giá cả rất bình dân.
Trong đó, 2 cái chết xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas và Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam đều do những cơ sở thẩm mỹ này không biết thực hiện quy trình cấp cứu đã và đang gây hoang mang dư luận.
Vấn nạn thẩm mỹ “chui”
Sở dĩ phải gọi là vấn nạn bởi theo Sở Y tế Hà Hội, trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép và 10 bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép.
Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp không được cấp phép chỉ được thực hiện các dịch vụ không xâm lấn, không chảy máu. Tuy nhiên, gần đây đã ghi nhận một số trường hợp biến chứng đều được thực hiện tại các cơ sở không được cấp phép.
Thực tế, để xảy ra tình trạng này là do nhu cầu làm đẹp tăng cao, không chỉ người dân mà ngay cả khách quốc tế cũng đến Việt Nam để phẫu thuật thẩm mỹ, kéo theo số lượng các cơ sở thẩm mỹ tăng nhanh.
Điều đáng nói, nhiều cơ sở chỉ được cấp phép làm đẹp không xâm lấn, nhưng lại quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ như cắt mí, nâng mũi, nâng ngực, tiêm filler (chất làm đầy)... Đặc biệt, các cơ sở này đều không có bác sỹ mà chỉ có kỹ thuật viên được đào tạo qua một khóa học ngắn hạn.
Trong khi đó, các khách hàng với tâm lý “ham rẻ”, cũng như tin theo quảng cáo, sẵn sàng thực hiện các phương pháp làm đẹp xâm lấn, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Theo chủ một sơ sở chăm sóc da nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), spa này có đủ các loại dịch vụ làm đẹp, nhưng được ưa chuộng nhất hiện nay là tiêm filler và cắt mí mắt. Giá cho 1 lần cắt mí mắt chỉ khoảng 3 triệu đồng và 2,5 triệu đồng cho 1cc filler, còn nâng mũi là 5 triệu đồng.
“Phòng phẫu thuật” là chính những chiếc giường mà chủ spa dùng để chăm sóc da mặt không đảm bảo điều kiện tiệt trùng, thuốc, dụng cụ y tế thậm chí không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc.
Trong khi đó, tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép, giá các dịch vụ này là gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, bởi trước khi tiến hành làm thủ thuật, khách hàng sẽ phải trải qua rất nhiều các xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với dịch vụ nâng mũi, chủ những cơ sở “chui” sẽ mua những khối sụn nhân tạo giá rẻ, sau đó gọt thủ công để tạo dáng mũi cho khách. Thậm chí, những khối sụn nhân tạo, filler còn được rao bán đại trà trên các trang bán hàng trực tuyến với giá rất rẻ.
Đã có những bài học nhãn tiền với những cái giá phải trả quá đắt, bằng cả mạng sống trước ma trận quảng cáo của các dịch vụ làm đẹp. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cứ đến mùa cưới và dịp Tết là nhiều người lại đổ xô đi làm đẹp, không chỉ phụ nữ mà còn có cả nam giới, thậm chí cả đối tượng thiếu niên. Tất nhiên, tai biến tại các cơ sở thẩm mỹ cứ thế tăng lên.
![]() |
Người dân đi làm đẹp nên tìm tới các cơ sở được cấp phép |
Mảnh đất “màu mỡ”
Mới đây, tại Hà Nội, một cô gái 28 tuổi được một thẩm mỹ viện trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng hút mỡ ở bụng, cánh tay, rồi bơm lên ngực. Hậu quả là cô gái này bị ngất xỉu, co giật nhiều lần và may mắn thoát chết sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Hay như cái chết của nữ Việt kiều khi căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam chưa kịp lắng xuống thì một phụ nữ khác lại tử vong khi đặt túi ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas.
Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu cũng tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ không phép. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng không thể phục hồi do bị hoại tử da, nhiễm trùng và có trường hợp bị mù mắt.
Theo một chuyên gia của Hội Y học Việt Nam, nhu cầu làm đẹp đang tăng quá nhanh đã khiến lĩnh vực này trở thành mảnh đất “màu mỡ” mà nhiều phòng khám thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp nhắm đến.
Tuy nhiên, người dân đi làm đẹp nên tìm tới các cơ sở có trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật viên phải được đào tạo bài bản đầy đủ, tránh đến những cơ sở “chui” để phẫu thuật thẩm mỹ nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc.
Theo đại diện của Sở Y tế Hà Nội, người sử dụng dịch vụ hoàn toàn có thể nhận biết cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, bởi theo quy định trên biển hiệu phải ghi tên phòng khám, loại hình hành nghề, tên bác sĩ phụ trách, giờ làm việc, số giấy phép; bên trong cơ sở hành nghề phải niêm yết bảng giá dịch vụ, niêm yết chứng chỉ hành nghề; phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở được Sở Y tế/ Bộ Y tế cấp phép.
Vân Linh