Từ ngày 23/9 - 25/9, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế ngành nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam 2020.
![]() |
Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên của Việt Nam. |
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ngành nông nghiệp và công nghiệp nhiên liệu tự nhiên Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung nguyên liệu và dược phẩm tự nhiên cho thị trường thế giới.
Những năm qua, thông qua hoạt động đa dạng xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu lớn, nhà phân phối bán buôn bán lẻ, người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hoá, đổi mới của ngành nguyên liệu tự nhiên Việt Nam.
Doanh nghiệp nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm đang ngày càng đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng sản phẩm giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Đặc biệt, với việc kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, doanh nghiệp nông sản Việt Nam có thể duy trì hoạt động sản xuất cung ứng an toàn và ổn định cho thị trường trong nước và quốc tế. "Việt Nam trở thành lựa chọn lý tưởng khi mà chúng tôi có nguồn cung cấp nguyên liệu, với chất lượng đảm bảo phù hợp phân khúc tiêu thụ khác nhau để đáp ứng thị trường quốc tế", ông Phú nói.
Về phía nhà nhà nhập khẩu, ông Michael DC Choi, Trưởng Bộ phận tư vấn thị trường Hàn Quốc (Korea Desk) tại Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Hàn Quốc đang tìm kiếm các nhà cung ứng sản phẩm nguyên liệu tự nhiên đáng tin cậy, đây là cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam mở rộng thị trường tại Hàn Quốc.
Phân tích một số ngành hàng tiềm năng, ông Michael DC Choi dẫn chứng như mặt hàng tiêu, Việt Nam là nhà xuất khẩu tiêu lớn thứ 2 thế giới, tuy vậy hơn 90% sản phẩm xuất khẩu dưới nguyên liệu thô. Do vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất, quy mô doanh nghiệp là trọng yếu phát triển của ngành sản xuất tiêu. Tương tự với ngành cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng chế biến sâu để đưa sản phẩm vào sâu hơn tại thị trường Hàn Quốc.
Theo ông Phạm Văn Lương, Giám đốc HELVETAS Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tránh khỏi tình trạng khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.
Nhằm tiếp sức nối dài cánh tay xuất khẩu cho các doanh nghiệp đối tác, Dự án BioTrade Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ và HELVETAS Việt Nam thực hiện đã phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại mở đầu chuỗi hoạt động hợp tác triển khai tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế, B2B match-making - thương thảo 1:1 theo hình thức trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam.
HELVETAS là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, có trụ sở tại Thuỵ Sỹ đã hoạt động ở Việt Nam kể từ năm 1994 trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện nay, các chương trình của HELVETAS Việt Nam tập trung vào quản lý, lập kế hoạch tại địa phương, cải cách hành chính công.
Trong đó, Dự án BioTrade Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ tập trung vào phát triển thương mại công bằng - bền vững, trong đó đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, môi trường sinh thái và giá trị xã hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) được xác định là nhân tố quan trọng trong các chuỗi giá trị phát triển kinh tế, là đối tượng trọng yếu của các dự án HELVETAS Việt Nam đã và đang triển khai.
Thy Lê