Cảnh báo này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại cuộc họp bàn bạc, đề xuất cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, cấp đông, dự trữ thịt heo giữa hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, chiều 30/5.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến ngày 30/5, đã có 44 tỉnh có dịch với 2 triệu con heo bị chết, phải tiêu huỷ.
Theo nhận định, dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh và thành phố, không chừa tỉnh nào. Ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt.
![]() |
Tổ chức cấp đông thịt heo để đảm bảo nguồn cung (Ảnh: Internet) |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, giải pháp khả thi bây giờ là tổ chức thu mua heo sạch để trữ, những tháng sau hết nguồn cung thì sẽ cấp lại cho thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ hiện nay, thịt heo giá thành thì thấp mà lại khó bán. Nhưng mấy tháng tới thì không có mà bán chứ đừng nói giá bao nhiêu.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp sớm có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong đó chú trọng bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, xây dựng các điểm bán hàng lưu động các sản phẩm thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm vừa tạo niềm tin của người tiêu dùng vừa kích cầu tiêu dùng trong dân...
Cho biết đang tiến hành tổ chức giết mổ, cấp đông thịt heo, song ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan cho biết khó khăn khi cấp đông thịt heo là chi phí trữ đông, vận chuyển cao làm giá thành cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. "Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN lãi suất để giải phóng hàng tồn kho khi đưa ra thị trường sau này. Bên cạnh đó, đặt giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho, đến thời điểm đó, Nhà nước cần cam kết tiêu thụ số lượng thịt này cho DN thông qua các đơn vị sử dung ngân sách Nhà nước. Nếu giải quyết được vấn đề này, các DN sẽ sẵn sàng hưởng ứng chủ trương của Nhà nước".
Thy Lê