Khảo sát thị trường ngày 19/10 cho thấy, giá lợn hơi đang được thu mua trong khoảng 62.000 - 76.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm là 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng sốt ruột
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam cho biết, từ ngày 10/10, giá lợn hơi của doanh nghiệp này đã giảm về mức 73.000 đồng/kg (loại 1) và 70.000 đồng/kg (loại 2).
Giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao dù giá lợn hơi đã giảm mạnh. |
“Nguồn cung ra thị trường dồi dào, ổn định, trong khi mãi lực lại yếu, không có gì tăng đột biến. Bên cạnh đó, giá lợn hơi trong nước cạnh tranh với lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan, nên giá lợn hơi bắt buộc phải giảm", ông Huy nói.
Lẽ ra, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đầu tiên khi giá lợn hơi "hạ nhiệt", song giá thịt lợn lại giảm rất "nhỏ giọt". Chị Kiều Trang, chuyên kinh doanh cơm văn phòng ở Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, đang phải mua thịt lợn với giá trung bình từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại.
"Tôi hỏi người bán hàng thì nhận được câu trả lời là mua lợn hơi thực tế vẫn rất khó khăn, mọi người cứ bảo giảm nhưng họ vẫn phải nhập hàng giá cao", chị Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, biết rằng giá thịt lợn như vậy là cao, song cũng buộc lòng phải mua, vì chỗ nào cũng thế. Thậm chí, nhiều khi "càng quen càng lèn cho đau" - khi đã có nhiều khách hàng quen, hầu hết tiểu thương vẫn giữ giá để kiếm lời. Khách hàng nào thắc mắc thì họ giải thích, còn không thì cứ tự động cân và tính tiền cho khách.
Trong khi đó, chị Phương Loan, tiểu thương buôn bán thịt lợn ở Tân Xuân (Xuân Đỉnh - quận Bắc Từ Liêm) cho biết, giá cao là theo mức giá chung, hàng thịt lợn nào cũng vậy. Đối với tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì những ngày biến động giá lợn hơi như hiện nay có khi còn lỗ nặng.
Tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội, giá thịt lợn thương phẩm cũng không có nhiều biến động, trong khoảng 140.000 - 270.00 đồng/kg.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, giá lợn hơi đang đồng loạt giảm, nhưng mức giảm này chưa ổn định, có thể do những tác động nhất thời của thị trường, nên trong các hệ thống bán lẻ vẫn chưa thể giảm giá thịt tới mức sâu.
"Tôi cho rằng, việc giảm giá lợn hơi có thể là đang nhất thời và chưa phải là giảm ổn định nên các siêu thị chưa thể hạ giá. Phải đến lúc nào giá lợn hơi giảm ổn định, các siêu thị mới có thể điều chỉnh giá bán", bà Hậu nói.
Điều chỉnh mắt xích khâu phân phối
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn không giảm có lẽ cũng như câu nói "kinh điển" vừa qua là "muốn mua thịt lợn giá rẻ thì lên tivi". Nguyên nhân sâu xa là do khâu phân phối vẫn ăn lãi quá đậm.
"Tại sao giá lợn hơi giảm nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn quá cao? Rõ ràng là ngành chăn nuôi lợn vẫn đi qua nhiều khâu trung gian, khiến giá thịt lợn bị đội lên", ông Phú nói.
Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái, công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10-15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chi chiết khấu lên đến 20-30%.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, giá lợn thịt xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải trải qua 2-5 khâu trung gian, tăng khoảng 43%. Đây là nguyên nhân khiến giá thịt lợn thời gian qua vẫn ở mức cao.
Trong khi giá thịt lợn trong nước không giảm, thì thịt nhập khẩu đang được bán với mức giá khá rẻ. Chị Phượng, chuyên phân phối thịt lợn nhập khẩu cho biết, hiện giá thịt lợn nhập khẩu đang thấp hơn 30-50% so với thịt lợn trong nước, hương vị cũng không khác nhiều. Thịt lợn nhập khẩu đang được đẩy mạnh phân phối trong các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể như cách mà thịt gà đông lạnh từng thâm nhập vào thị trường Việt Nam những ngày đầu.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn do nguồn cung thiếu hụt, với 64,66 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 152,56 triệu USD, tương ứng tăng 272,6% và 352,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi lợn còn nhiều vấn đề, các chuyên gia lo ngại, nếu mở cửa hoàn toàn thị trường này, sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Trong đó, câu chuyện giảm giá sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh đang là nhiệm vụ cấp thiết.
Thy Lê