Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".
Đây là kết quả quá trình đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Quá trình điều tra xác minh, công an xác định Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa Vương và các nhân viên.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 08 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%. |
Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là: 29.400 lon/hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.
Ngoài việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan, Cục Cảnh sát đã ra quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 8 công ty liên quan với số tiền phạt 985 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng của Công ty CP Sữa Hà Lan tự ý chỉnh sửa hai phiếu kết quả kiểm nghiệm và làm giả giấy tờ của UBND xã để hợp thức hóa các sản phẩm. Hành vi này của bị can Thu đã được cơ quan công an tách thành một vụ án hình sự khác và cơ quan tố tụng truy tố xét xử về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Ngày 16/4/2024 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP Chí Linh đã tuyên án 62 tháng tù giam đối với Đỗ Minh Thu.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng với các hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Điều đáng nói, phần lớn các hàng hóa nhái giả thương hiệu lớn đều được bán trên thương mại điện tử. Đây là những sản phẩm chủ yếu sử dụng cho người già, trẻ nhỏ, gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặc dù trong hoạt động quản lý thị trường hàng hóa đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cũng có nhiều cơ quan chức năng tham gia kiểm soát, thế nhưng tình trạng hàng gian, hàng giả vẫn “lộng hành”.
Thời điểm đầu năm 2024, Công an TP.HCM cho biết, đơn vị đã triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả các thương hiệu nổi tiếng quy mô lớn, gồm: 7.525 lon sữa bột các loại (6.309 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu ENSURE, loại 850g; 204 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu ENSURE, loại 400g; 28 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu GLUCERNA, loại 850g; 984 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu ALPHA LIPID, loại 450g). Ngoài ra còn có số lượng lớn vỏ lon sữa bột, bao bì, tem nhãn, máy móc, thiết bị sản xuất... Chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng cầm đầu đã thu lợi bất chính hơn 3 tỷ đồng từ hoạt động phạm pháp này.
Theo cơ quan chức năng, có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, mua bán trên mạng. |
Chia sẻ trong một tọa đàm về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Có đến 80-90% hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT được tiêu thụ, mua bán trên mạng. “Đây là một mặt trận rất nóng bỏng và khó khăn”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thẳng thắn thừa nhận.
Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho biết, có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm, thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế; thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam. Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Về nguồn gốc hàng giả, đại diện Tổng cục QLTT thông tin, hàng giả vẫn từ hai nguồn, thứ nhất từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và thứ hai là hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
“Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ nhận biết và phát hiện, nhưng trên môi trường Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả”, ông Linh chia sẻ.
Trong buổi làm việc, đánh giá tình hình, kết quả công tác QLTT 8 tháng 2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác QLTT.
"Lực lượng QLTT cần tập trung cao độ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả theo tuyến, theo địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai và tham mưu cho Chính phủ nhiều hoạt động cụ thể để giảm thiểu vấn nạn này nhằm hướng tới việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng liên quan tới TMĐT nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tăng cường trách nhiệm các bên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững. Năm 2021, Bộ Công Thương (nòng cốt là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục TMĐT và Kinh tế số) đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng. Năm 2022, thực hiện thanh tra, kiểm tra 784 vụ, xử lý 449 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT. Năm 2023, kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm. |
Hồng Hương