Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024 nhập khẩu đồ gia dụng và linh kiện của Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023 Việt Nam đã chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng này.
Nhu cầu thị trường ngày càng lớn
Năm 2024, thị trường đồ gia dụng Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sự phát triển này chủ yếu được thúc đẩy bởi mức thu nhập và chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu.
Báo cáo từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tầng lớp này ngày càng quan tâm hơn đến việc nâng cấp các thiết bị gia dụng trong gia đình, từ các thiết bị nhà bếp thông minh đến các thiết bị vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, sự tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam, với GDP dự kiến tiếp tục tăng, cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường đồ gia dụng.
Dự báo trong năm 2024 thị trường điện tử gia dụng đạt doanh thu ấn tượng với gần 8,7 tỷ USD. |
Tại triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) năm 2024, dựa trên các báo cáo từ thị trường ngành điện và điện tử tiêu dùng năm 2023, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: “Quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước trị giá ước tính lên đến 12,5 – 13 tỷ USD, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm và mỗi hộ gia đình Việt Nam đã chi tiêu trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng".
Những yếu tố này góp phần tạo nên một sân chơi sôi động hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong những năm gần đây, các thương hiệu lớn từ nước ngoài đã chọn Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng để đầu tư và phát triển.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện 10 tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,86 tỷ USD, tăng 19,9% so với 10 tháng đầu năm 2023.
Các thị trường lớn cung cấp hàng điện gia dụng và linh kiện cho Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 là: Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Trong đó nhập khẩu đồ gia dụng và linh kiện từ thị trường Trung Quốc đạt 709,68 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là thị trường Thái Lan đạt 690,45 triệu USD, tăng 20,8%, chiếm 37,1%; thị trường Malaysia đạt trên 259,66 triệu USD, tăng 7,7%, chiếm 14%.
Cạnh tranh khốc liệt
Mặc dù thị trường đang trên đà tăng trưởng, nhưng mức độ cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng khốc liệt hơn. Dễ dàng tìm thấy trong các siêu thị điện máy hay các nhóm mua bán online đồ gia dụng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… từ dụng cụ đánh trứng, làm bánh đến nồi cơm, nồi chiên không dầu, bếp từ... Trong khi đó, tên tuổi các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đồ gia dụng lại khá ít ỏi.
Hiện nay, Trung Quốc xây dựng các kho hàng ngay khu vực biên giới, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam cũng cho phép mua bán xuyên biên giới từ thị trường này. Do đó, vận chuyển hàng hóa đến người dùng trong nội địa khá thuận lợi.
Tại Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc hồi giữa năm, Sở Công thương Lào Cai phát đi cảnh báo, Trung Quốc đã chi hơn nửa tỷ USD xây kho hàng sát biên giới Việt Nam. Các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng thu gom trong nước và phân phối ở nước ngoài, cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livestreams bán lẻ, cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng. Với kịch bản chuẩn bị đầy chuyên nghiệp, có lớp lang này, hoạt động sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh với nguồn hàng khổng lồ từ Trung Quốc.
Bên cạnh ngành hàng thời trang, đồ gia dụng Trung Quốc với ưu thế mẫu mã phong phú, liên tục thay đổi, giá cả cạnh tranh, nhiều tính năng… được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.
Sự cạnh tranh không chỉ đến từ các thương hiệu nước ngoài mà còn từ các thương hiệu trong nước. Trong 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn như Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á…cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng loạt doanh nghiệp “nhỏ mà có võ” như VnTech, Korihome...
Mặc dù các chuyên gia cho biết các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh nhiều doanh nghiệp nội đã "bắt tay" với các doanh nghiệp Trung Quốc chẳng hạn như Sunhouse, Kangaroo…
Một chuyên gia nhận định những năm gần đây các doanh nghiệp ngoại đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất từ mặt hàng tiêu dùng hằng ngày đến các phương tiện sinh hoạt khác với tiêu chí "thời trang, tốt, rẻ".
Cộng thêm sự tiếp sức của các sàn thương mại điện tử, đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và các giải pháp bảo hộ, hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
Thanh Hoa