Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
‘Tủi thân’ khi sản phẩm OCOP khó vào siêu thị
Tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Để mở rộng hơn thị phần tại các kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP. |
Bước đầu, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước.
Tuy vậy, để mở rộng hơn thị phần tại các kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP, thậm chí nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn khó vào siêu thị. Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng quản lý Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam không thiếu những sản phẩm tinh tuý của mỗi địa phương, mỗi vùng đất và cũng không thiếu cách thức rất kỳ công để tạo ra những sản phẩm nhưng cách biến các sản phẩm này trở thành thương hiệu lớn thì không dễ.
Thực tế cũng được ông Nhân chỉ ra là có sản phẩm OCOP xuất đi 12 thị trường nước ngoài, nhưng không thể vào được siêu thị Việt Nam. “Nói gì thì nói, kênh bán hàng ở siêu thị vẫn là kênh bán hàng hiện đại nên đòi hỏi từ nhiều phía, từ quảng bá sản phẩm OCOP, chất lượng, mẫu mã bao bì… Cái này không phải doanh nghiệp tự làm được mà các địa phương, bộ ngành phải chung tay”.
“Nói thật khi làm xúc tiến thương mại, tôi nhìn sản phẩm OCOP trên kênh thương mại hiện đại rất tủi thân”, ông Nhân nói. Cái khó nhất hiện nay đối với sản phẩm OCOP là các đại siêu thị quy định 35-40 ngày mới thanh toán cho chủ thể sản phẩm OCOP. Như vậy hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, yếu năng lực tài chính lấy đâu ra nguồn lực để quay vòng vốn?
Ông Nhân cho rằng, khó có thể để cơ quan Nhà nước, hiệp hội can thiệp vào quy trình thương mại của siêu thị với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhưng cần làm cách nào đó để sản phẩm OCOP tồn tại được ở kênh bán hàng siêu thị, để bán buôn (B2B), bán lẻ (B2C) quy mô lớn mới hiệu quả. Bởi người tiêu dùng Hà Nội, hay tại thành phố lớn rất sẵn sàng mua đặc sản của các địa phương mà không biết mua ở đâu.
“OCOP là đặc sản địa phương, đã là đặc sản thì sẽ không có số lượng nhiều, phải là sản phẩm giới hạn, tinh tuý nhất. Chính vì thế, chúng ta cần đối xử với sản phẩm ấy khác, không thể để các đặc sản, tinh tuý ấy bán ra thị trường bằng “buộc dây lạt”, gói “lá chuối” được”, ông Nhân nêu.
Nghĩ xa về tương lai
Theo đại điện một số hệ thống siêu thị lớn, sản phẩm OCOP dù đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên để vào được các siêu thị, tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Vào được siêu thị là một chuyện, nhưng để hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng, tiếp cận được khách hàng buộc các sản phẩm phải đồng hành với các chương trình khuyến mãi, kích cầu... cùng với các hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, ngoài chất lượng, sản lượng, giá thành phải ổn định, một số mặt hàng OCOP khó vận chuyển xa phải tính toán đến phương án giao nhận hàng phù hợp. Tuy nhiên với phương thức làm ăn nhỏ, manh mún thiếu tính chuyên nghiệp nên sau vài tháng, nhiều sản phẩm khó có thể cầm cự lâu dài.
Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam, một số sản phẩm lên được kệ nhưng cần một quá trình để thu hút người dùng, đủ năng lực đồng hành với nhà bán lẻ trong các chính sách quảng bá, chăm sóc khách hàng.
"Quan trọng là phải giữ được sản phẩm tươi lâu, rồi tìm cách chuyển hàng tới siêu thị nhanh. Chúng tôi sẽ cố gắng bố trí trưng bày lên kệ và giữ hàng tươi lâu hơn, có như vậy khách hàng mới thích, mới bán được. Hiện nay, bà con sản xuất tốt rồi thì phải tìm cách làm sao để vào được siêu thị. Không chỉ tiêu thụ nội địa mà sắp tới nhà sản xuất OCOP phải suy nghĩ cách để đưa hàng ra các siêu thị quốc tế, như vậy mới tiêu thụ hiệu quả và khách hàng mới biết hàng hóa Việt tốt như thế nào", ông Paul Le nói.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh phân phối trong nước với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, nhìn chung việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước cho rằng cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Thy Lê