Tuy nhiên, theo ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA): “Dù có bước tăng trưởng khá trong quý I/2017, nhưng hoạt động của ngành thép chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể, tiêu thụ thép trong nước chỉ tăng 6,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 12% trong năm nay. Ngành thép cũng chỉ đạt 67% năng lực sản xuất do áp lực cạnh tranh từ thép ngoại”.
Thận trọng với vốn ngoại
Đến giữa tháng 3/2017, khối lượng thép thành phẩm nhập khẩu (NK) vào Việt Nam đạt 3,56 triệu tấn, với kim ngạch 2,2 tỷ USD (chỉ tăng 13% về lượng nhưng tăng tới 64% về giá trị so với cùng kỳ 2016).
Trong tháng 4/2017, theo số lượng từ Tổng cục Hải quan, lượng NK sắt thép (các loại) ước đạt 1,6 triệu tấn, tăng 8,7%. So với tháng 3/2017, dù khối lượng NK ít hơn (1,6 triệu tấn so với 1,9 triệu tấn), giá trị kim ngạch NK trong tháng 4 vẫn tăng 8,2%, đạt 945 triệu USD.
Thép từ Trung Quốc tiếp tục đứng đầu kim ngạch NK sắt thép vào nước ta, với hơn 2,2 triệu tấn, đạt giá trị gần 1,18 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 40,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tiếp theo là Nhật Bản đạt 529.000 tấn, trị giá 315 triệu USD, giảm 11,2% về lượng, tăng 29,6% về chất; Hàn Quốc đạt 417.000 tấn, trị giá 293 triệu USD, giảm 2,5% về lượng, tăng 41,3% về giá trị…
Thép ngoại đổ về Việt Nam khiến áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước trở nên khốc liệt hơn. Để bảo vệ các doanh nghiệp (DN) trong nước, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như sử dụng thuế chống bán phá giá với một số mặt hàng thép NK vào Việt Nam.
Thuế chống bán phá giá là biện pháp tự vệ phù hợp chuẩn mực quốc tế, có lợi cho thị trường và ngành thép Việt Nam, song lại là tin xấu với các DN nước ngoài xuất khẩu thép vào Việt Nam.
Để ứng phó với thực trạng này, nhiều DN nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, đang chuyển hướng sang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam bằng cách tìm mua lại các công ty thua lỗ, thậm chí xây mới.
Nhận định về xu hướng này, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: “Cần hết sức thận trọng trong việc đón vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành Thép trong thời điểm này. Việc mở rộng sản xuất của các DN FDI sẽ tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết, gây áp lực lớn cho các DN trong nước. Đặc biệt, với các dự án đầu tư vào những dòng sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được (như tôn mạ, thép xây dựng…) sẽ khiến thị trường bị bão hòa, cung vượt cầu”.
![]() |
Cần hết sức thận trọng trong việc đón FDI vào ngành thép trong thời điểm này
Tăng sức mạnh cho doanh nghiệp nội
“Hiện tại, có thông tin một số DN Trung Quốc có ý định xây nhà máy thép không gỉ công suất 300.000 tấn/năm tại Đồng Nai, việc này nếu có thì rất nguy hiểm. Vì, nhu cầu thép không gỉ trong nước vào khoảng 200.000 tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất của DN Việt Nam đã lên tới 300.000 tấn/năm, lượng NK khoảng 60.000 tấn/năm. Một cuộc khủng hoảng thừa có thể xảy ra”, ông Dũng lo ngại.
Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, nếu không thể kiểm soát nguồn vốn FDI, các DN FDI sẽ nắm thế chủ đạo ngành thép, các DN thép Việt Nam sẽ chỉ gia công cho các đối tác nước ngoài. Thậm chí, Việt Nam có thể trở thành “thiên đường” cho các DN ngoại tránh thuế bán phá giá và mượn thị trường Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm sang các nước khác.
“Nguồn vốn FDI đã đóng góp rất nhiều cho ngành thép Việt Nam trong thời gian đầu trong việc tăng năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại hóa quản trị kinh doanh, mở rộng thị trường… Nhưng nay, các DN trong nước đang phát triển rất mạnh và đủ lực để đầu tư ở mọi quy mô, công nghệ và hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, hiện tại không nên ưu tiên hút vốn FDI mà cần ưu tiên cho DN trong nước”, ông Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch VSA, cũng cho rằng: “Thép là ngành quan trọng, DN Việt phải là người nắm vai trò chủ đạo của ngành này. Ngoài ra, dù đem lại lợi nhuận lớn, việc làm nhiều, song sản xuất thép gây tổn hại rất lớn đến môi trường. Chưa kể, nếu mở rộng quy mô, ngành thép sẽ phải NK thêm quặng thép và than cốc. Vì vậy, cần tính toán kỹ trên cơ sở nghiên cứu sâu về thị trường, tính cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của ngành thép”.
Theo các chuyên gia, ngành thép Việt hiện tại cần chú trọng đầu tư chiều sâu chứ không khuyến khích đầu tư theo chiều rộng. Vì vậy, việc cần làm ngay là bảo vệ và hỗ trợ, giúp các DN trong nước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức mạnh cạnh tranh. Đồng thời, cần có giải pháp làm trong sạch thị trường, ngăn chặn gian lận thương mại, kiểm soát NK sắt thép… để tránh gây khó khăn cho DN trong nước.
“Đầu tư và nhận đầu tư để phát triển là điều cần thiết, nhưng cần tính toán, cân nhắc xem đầu tư ở giai đoạn nào, thời điểm nào, quy mô và công nghệ ra sao để vừa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, vừa kiểm soát tốt vấn đề môi trường”, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.
Văn Nguyễn