Thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu (NK) phân bón các loại trong tháng 8 đạt hơn 350.000 tấn, trị giá 82,6 triệu USD. Tính chung 8 tháng, Việt Nam NK 2,6 triệu tấn mặt hàng này, trị giá 736 triệu USD. Trong đó, thị trường NK phân bón lớn nhất vẫn là Trung Quốc, chiếm gần 50% lượng phân bón NK cả nước.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Theo thỏa thuận Hiệp định Thương mại tự do (AFTA) mà Việt Nam cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc, phân bón vô cơ của nước này được miễn 5% thuế khi vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, ngành sản xuất phân bón Việt Nam hiện nay phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt về giá với các sản phẩm của Trung Quốc.
Hiện, khối lượng NK phân đạm (urê) ước đạt 333.000 tấn với giá trị đạt 79 triệu USD, tăng 41,4% về khối lượng và 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; phân SA ước đạt 735.000 tấn với giá trị NK đạt 89 triệu USD, tăng 2,8% về khối lượng nhưng lại giảm 12,3% về giá trị so với năm 2015.
Dù sản lượng và giá trị NK phân bón 8 tháng so với cùng kỳ năm trước có giảm đôi chút (2,8 triệu tấn, gần 900 triệu USD - 2015) nhưng vẫn ở mức rất cao đã tác động mạnh đến giá bán và công tác tiêu thụ trong nước.
Ngành sản xuất phân bón trong nước đang hết sức khó khăn
Tại Báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017 vừa gửi đến Bộ Công Thương và Bộ KH&ĐT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu rõ, tình hình hoạt động của tập đoàn đang hết sức khó khăn và có thể kéo dài đến năm 2017, trong đó khó khăn nhất là hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.
Theo lý giải của Vinachem, nguyên nhân lỗ của hai công ty này là do không thể cạnh tranh được với phân bón giá rẻ được NK ồ ạt thời gian qua. Thực tế, hai nhà máy này vừa đầu tư dây chuyền mới với công suất lên 500.000 tấn/năm nên chi phí khấu hao và chi phí lãi vay đầu tư chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm, dẫn đến giá thành sản xuất cao trong bối cảnh giá bán liên tục sụt giảm, khiến không ít nhà máy phân đạm của Việt Nam lâm cảnh khó khăn vì đuối sức trong cuộc cạnh tranh với phân bón nhập ngoại.
Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ...
Cần áp dụng biện pháp bảo hộ
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, ngành phân bón trong nước sẽ còn “đối mặt” với sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ đến từ Trung Quốc mà là các nước khác, như: Lào, Nhật Bản, Malaysia, Israel, Hàn Quốc…
Bởi vậy, để “giải cứu” ngành phân bón trong nước trước cuộc “đổ bộ” của các nước trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng cần áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê trong phân bón tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng NK giá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Ông Vũ Đức Minh Hiếu - chuyên gia về phân tích thị trường phân bón Việt Nam, cho biết sử dụng các hàng rào thương mại là điều cần thiết nếu muốn bảo hộ sản xuất trong nước. Ông Hiếu gợi ý: “Trong bối cảnh hàng ngoại tràn ngập như hiện nay, các DN chịu thiệt hại nặng hoàn toàn có thể nộp hồ sơ xin áp dụng các hình thức phòng vệ thương mại”.
Trước đó, Ninh Bình cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm urê nhằm giúp hạn chế hàng NK quá rẻ trong trong thời gian qua và là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.
“Với biện pháp này, sẽ có tác dụng lớn trong việc bảo toàn vốn nhà nước, bảo vệ được mặt hàng phân urê trong nước và sản xuất đủ, có phần dư thừa so với nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đại diện cho các nhà sản xuất cũng đã có kiến nghị gửi Chính phủ điều chỉnh lại quy định về thuế GTGT đang áp dụng. Theo quy định mới, đối với các DN phát sinh thuế GTGT đầu vào từ tháng 2/2014, tức là tính đến cuối năm 2014 là chưa đủ 12 tháng thì sẽ không được khấu trừ khoản thuế này, dẫn đến DN phân bón bị giảm lãi hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chính sách kịp thời của Chính phủ sẽ là tiền đề quan trọng giúp các DN thoát khỏi khó khăn. Nhưng, bên cạnh đó, việc hạn chế NK, nếu được áp dụng, sẽ khiến người nông dân mất đi một nguồn hàng giá rẻ, chất lượng tốt - điều đặc biệt quan trọng giúp giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của ngành nông nghiệp là đòi hỏi phải tự chủ được giống và dịch vụ nông nghiệp. Có như vậy mới hạn chế việc sử dụng quá nhiều phân bón NK, không phù hợp với đặc tính đất, đồng ruộng của Việt Nam, khiến quá trình thoái hóa đất diễn ra nhanh chóng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc NK phân bón giá rẻ tràn lan trong thời gian qua.
Thanh Hoa