Hiện, nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước tăng trưởng khá ổn định, dẫn đến giá bán đường tương đối khả quan cho DN ngành mía đường trong nước. Tại Việt Nam, sản lượng đường tồn kho giảm mạnh khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Giá đường trước khi bước vào vụ mới đã tăng khoảng 10%.
Cơ hội cho ngành mía đường
Các yếu tố trên đã giúp các DN mía đường thuận lợi hơn vào quý III, như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Mía đường Biên Hòa (BHS) lãi gấp hơn 2 lần, Mía đường Sơn La (SLS) lãi gấp 7 lần, Mía đường Lam Sơn (LSS) lãi gấp 1,3 lần. Bước vào vụ 2015 - 2016, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía bao tiêu của vụ 2014 - 2015 giảm gần 5% so với vụ 2013 - 2014.
Hiện tại, chưa có thống kê đầy đủ diện tích vụ 2015 - 2016, tuy nhiên khu vực ĐBSCL đã bước vào vụ mới và tổng diện tích theo thống kê chỉ đạt 41.880 ha, giảm 6.000 ha so với vụ trước. Các dự báo cho thấy tại miền Tây, sản lượng mía vụ năm nay có thể giảm 20% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ khả năng sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm, giá bán tăng hứa hẹn 1 năm tăng trưởng của các DN ngành đường.
Trước đó, nhiều người vẫn lo ngại, hiệp định TPP được ký kết thì ngành mía đường sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn. Lúc đó, chúng ta buộc phải mở cửa ngành đường, gỡ bõ các hạn ngạch NK. Sản xuất trong nước do đó được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, khi mà chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới.
Riêng trong khối TPP, đối thủ lớn của Việt Nam là Australia - nước XK mía đường lớn thứ 3 thế giới với chi phí sản xuất khoảng 20 USD cho mỗi tấn đường. Con số tương tự ở Việt Nam là khoảng 55 - 60 USD/tấn. Tuy nhiên, phản ứng trái chiều với những nhận định trên, trên sàn chứng khoán trong tháng 10 vừa qua, nhóm cổ phiếu mía đường đã tăng giá khá tốt, thanh khoản đột biến, trái ngược với diễn biến tẻ nhạt trước đó.
Ông Nguyễn Thế Minh - CTCK Bản Việt (VCSC), cho biết cổ phiếu ngành đường từng giao dịch tẻ nhạt, thanh khoản thấp. Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn ngược lại trong thời gian gần đây, bất chấp những nhận định khó khăn khi gia nhập TPP.
Đà tăng của nhóm này thậm chí còn nóng hơn cổ phiếu ngành bất động sản. Như vậy, TPP là một “cuộc chơi” lớn mà Việt Nam tham gia, song phải một thời gian khá dài nữa mới thực sự tác động đến ngành mía đường. Thực chất cổ phiếu ngành này đã có xu hướng tăng trước khi TPP được hoàn tất, nhưng sau khi có thông tin này thì cổ phiếu ngành mía đường tăng mạnh hơn.
![]() |
Vùng nguyên liệu của mía đường đang giảm mạnh, do nông dân chuyển đổi cây trồng
Vẫn còn những thử thách
Trên cơ sở đó, kết quả kinh doanh của các DN mía đường năm nay đã tốt lên nhiều. Giá bán trong nước được giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, bản thân ngành này cũng được trợ giá khá nhiều để bảo đảm không giảm mạnh khi giá thế giới lao dốc.
“Hơn nữa, thanh khoản tăng đột biến là do có một vài thông tin sáp nhập DN ngành đường. Làn sóng sáp nhập của DN ngành đường đã tạo sóng thanh khoản và tăng trưởng cho cổ phiếu định giá cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên xem xét trước khi mua vào để tránh rủi ro”, ông Minh khuyến cáo.
Quan điểm của VCSC là ngành đường vẫn có triển vọng kém khả quan khi tiến trình hội nhập không thể chờ đợi. Ngành được bảo hộ, nhưng vẫn bị cạnh tranh khốc liệt do nhập lậu và gian lận thương mại. Lượng đường nhập lậu và gian lận lên tới 500.000 tấn/năm, tương đương khoảng 1/3 lượng sản xuất trong nước. Quy mô sản xuất nhỏ, cơ giới hóa sản xuất kém, giống mía năng suất thấp, kỹ thuật canh tác kém cũng là nguyên nhân giảm mức độ cạnh tranh.
Đặc biệt, vấn đề về vùng nguyên liệu của mía đường bị giảm mạnh do người nông dân chuyển đổi cây trồng, sản lượng mía bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trong ngắn hạn, giá đường thế giới đi vào hồi phục và có thể tiếp tục đà tăng do nguồn cung suy giảm. Giá đường thế giới tăng sẽ làm hạn chế lượng cung từ nhập lậu và gian lận thương mại, từ đó thúc đẩy gia tăng sản lượng tiêu thụ đường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, chuyên viên phân tích VCSC lo ngại diện tích vùng nguyên liệu đang suy giảm sẽ gây thiếu nguyên liệu sản xuất và giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ, đồng thời giá thành sản xuất tại các nhà máy tăng cao hơn.
Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) sẽ là một thách thức lớn, nếu ngành mía đường không cải tiến phương thức và quy mô sản xuất. Năm 2018, ngành đường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho đường các nước ASEAN, đồng nghĩa đường NK từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% và không chịu hạn ngạch thuế quan. Đây sẽ là một khó khăn lớn đối với ngành, khi mà đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp.
Đối với TPP, ngành đường cũng sẽ gặp những bất lợi không hề nhỏ. Việc cắt giảm thuế NK trong hạn ngạch cho đường từ các quốc gia trong khối TPP như Hoa Kỳ, Mexico, Australia sẽ khiến cạnh tranh giá đường trong nước trở nên gay gắt hơn.
Trong điều kiện ngành mía đường vẫn được bảo hộ hạn ngạch và thuế quan, VCSC nhận định lợi thế vẫn thuộc về các công ty có khả năng tự chủ vùng nguyên liệu, năng suất cao hơn và có khả năng khai thác phụ phẩm sau đường tốt hơn. Vì vậy, quá trình thâu tóm, sáp nhập, mở rộng quy mô hoạt động đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành mía đường. Đây như một xu hướng tất yếu nhằm gia tăng cạnh tranh, sẽ gây áp lực lên thu nhập cho cổ đông.
Lê Thuận