Hãng tin Reuters dẫn cảnh báo của các chuyên gia phân tích cho rằng lệnh cấm người từ châu Âu nhập cảnh Mỹ trong vòng 30 ngày mà Tổng thống Donald Trump vừa ban hành sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng lưu lượng di chuyển xuyên Đại Tây Dương. Đây vốn là kinh doanh cốt lõi của các hãng hàng không lớn trên toàn cầu.
Các đường bay xuyên Đại Tây Dương chiếm 20-30% doanh thu nhưng đóng góp phần lớn lợi nhuận của các hãng hàng không lớn, chuyên gia phân tích Neil Glynn của tập đoàn tài chính Credit Suisse cho biết. Ông Glynn nói thêm: “Thiệt hại dễ thấy là doanh thu của các hàng này sẽ sụt giảm trong những tuần tới, nhưng có khả năng tăng trở lại vào mùa hè”.
Lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với người từ châu Âu sẽ khiến các hàng hàng không thiệt hại nặng nền hơn việc cắt giảm các chuyến bay tới Trung Quốc và các điểm đến khác như Italy do dịch Covid-19.
Cổ phiếu của Air France-KLM (mã cổ phiếu: AIRF.PA) mất 6,7% trong khi cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa (LHAG.DE) “bay” 7,5%, còn cổ phiếu của IAG (ICAG.L) - tập đoàn mẹ của British Airways - “bốc hơi” hơn 8,4% hôm 12/3.
Vốn đã vật lộn hoạt động trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, hãng hàng không Na Uy Norwegian Air (NWC.OL) phiên 12/3 chứng kiến cổ phiếu rớt mạnh 24,6%, còn cổ phiếu của hãng bay Icelandair (ICEAIR.IC) của Ireland - vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - trượt dốc 18,4%.
Ngành hàng không thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng toàn bộ (Ảnh Internet) |
Lệnh cấm nhập cảnh Mỹ được áp dụng đối với người di chuyển từ 26 quốc gia vùng Schengen, trừ Anh và Ireland. Lệnh cấm này tương tự như lệnh cấm nhập cảnh áp dụng đối với người từ Trung Quốc ngày 1/2 khi vẫn cho phép công dân Mỹ và gia đình nhập cảnh.
Ở góc độ khác, chuyên gia tư vấn hàng không độc lập John Strickland tại Anh nhận định, việc Mỹ áp dụng lệnh cấm cửa người từ châu Âu có thể khiến ngành hàng không hứng chịu cuộc khủng hoảng nặng nề nhất từ trước đến nay, hơn cả khủng khoảng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001.
“Thời điểm cuối mùa đông ở Bắc bán cầu là lúc doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm và họ thường gỡ lại doanh thu từ hoạt động đặt vé nhộn nhịp vào mùa hè”, Strickland nói.
Hiện, hai hãng hàng không Air France-KLM và Lufthansa đang chú tâm tìm hiểu dụng ý từ việc Mỹ cấm cửa người từ châu Âu. Tập đoàn IAG nhiều khả năng ít bị ảnh hưởng do cứ địa chính của hãng hàng không British Airways tại Heathrow. Tập đoàn này đã từ chối đưa ra bình luận.
Sức hủy hoại của dịch Covid-19 cũng lan sang cả ngành hàng không vũ trụ và các ngành công nghiệp khác. Philippe Petitcolin, CEO tập đoàn hàng không vũ trụ lớn thứ 3 thế giới Safran cho biết, tập đoàn ngày càng thấy rõ nguy cơ các đơn hàng động cơ và máy bay sụt giảm và đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí.
Nhà điều hành sân bay quốc tế ADP từ chối bình luận về thông tin doanh nghiệp này chuẩn bị đóng nhà ga số 3 (Terminal 3) tại Roissy Charles de Gaulle - trung tâm hàng không quan trọng của Paris. Trong khi đó, Na Uy có thể sẽ đóng cửa một số sân bay, nhà điều hành sân bay Avinor cho biết.
Italy - điểm nóng của dịch Covid-19 tại châu Âu - tuyên bố đóng cửa hoạt động bay thương mại tại các sân bay chính ở Rome để ngăn chặn dịch bệnh. Nguồn tin chính phủ Italy cho biết, các sân bay gần như "để không" ở Milan và các nơi khác thời dịch Covid-19 có thể cũng phải đóng cửa.
Động thái cấm cửa nhập cảnh đối với người di chuyển từ 26 quốc gia vùng Schenghen mà Mỹ đưa ra đúng lúc các hãng hàng không đang vật lộn với nhu cầu đi lại toàn cầu rơi tự do vì dịch Covid-19. Ngành hàng không tê liệt vì dịch bệnh và đang trông chờ vào gói cứu trợ của chính phủ để thoát khỏi mớ bòng bong khủng hoảng do dịch bệnh. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố các biện pháp hỗ trợ mới từ phía nhà nước hôm nay 13/3.
Đã xuất hiện cảnh hoảng loạn tại các sân bay châu Âu khi du khách tranh nhau về Mỹ trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực cuối ngày 13/3.
Động thái trên của Mỹ có thể đẩy ngành hàng không vào cuộc khủng hoảng toàn bộ. “Các biện pháp hỗ trợ từ nhiều chính phủ là rất cần thiết”, Chủ tịch Liên đoàn Phi công Na Uy Yngve Carlsen nhận định.
Người phát ngôn hãng vận tải Scandinavia SAS cho biết hãng này đã đề xuất chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch cần có các biện pháp hỗ trợ, nhưng không đề cập nội dung hỗ trợ chi tiết.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ 26 quốc gia châu Âu là cần thiết vì Mỹ đang trong “thời kỳ quan trọng” để khống chế dịch Covid-19. Dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc, lan sang Italy, Hàn Quốc, Iran và các nước khác và hiện đã “cắm rễ” tại Mỹ.
Chuyên gia phân tích hàng không độc lập Mike Boyd đánh giá, trong số các hãng hàng không Mỹ, American Airlines có thể ít bị tác động do liên minh với hãng hàng không Anh British Airways và có thị phần lớn trong ngành vận tải Anh, trong khi Delta Air Lines - đối tác của hãng bay Pháp Air France-KLM và United Airlines - đối tác liên minh của hãng hàng không Đức Lufthansa có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
“Tuy nhiên, trên thực tế khi thông tin dịch Covid-19 lan rộng ở châu Âu, dẫu sao các chuyến bay cũng sẽ bị bỏ trống”, Boyd nói thêm.
Các hãng hàng không Mỹ đã cắt giảm lịch trình chuyến bay đến Italy và tiếp tục chịu thêm đòn giáng khi nhu cầu bay từ các điểm đến quan trọng như Pháp và Đức đều sụt giảm. Nicholas E. Callio, Chủ tịch Tập đoàn thương mại hàng không Airlines for Ameria, cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ châu Âu sẽ là đòn đau tới các hãng hàng không Mỹ cũng như nhân viên và hành khách.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội tiếp viên hàng không-CWA Sarah Nelson chỉ trích lệnh cấm của ông Trump là “vô trách nhiệm”. “Chẳng có lời giải thích nào cho thấy lệnh cấm đó sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 - loại virus mà đã xuất hiện tại Mỹ”, bà Nelson nói.
Việc cấm người từ châu Âu nhập cảnh Mỹ có thể khiến chi tiêu của du khách châu Âu tại Mỹ giảm đáng kể. Trong tháng 3/2019, du khách châu Âu chiếm 29% lượng khách đến Mỹ và mang lại doanh thu 3,4 tỷ USD, theo Hiệp hội Du lịch Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ Roger Dow cảnh báo, việc ngăn khách châu Âu nhập cảnh Mỹ thời dịch Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm tác động của dịch bệnh đến ngành du lịch Mỹ trong khi việc làm của 15,7 triệu người Mỹ đang phụ thuộc vào ngành này.
Công Huyền