Theo dự báo mới đây của công ty Chứng khoán FPTS, hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo hiệp định ATIGA cho mặt hàng đường, ngoại trừ Philippines Campuchia, Việt Nam (cùng 5%), Indonesia (5-10%), Myanmar (0-5%).
Theo lộ trình cam kết, đến năm 2020, thuế này phải giảm về 0%. Bên cạnh đó, đầu năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường thô, đường trắng và đường tinh luyện trong khối sẽ được xóa bỏ. Vì đây là hiệp định duy nhất Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch nên nó sẽ tác động mạnh nhất đến ngành đường trong thời gian sắp tới.
Lo đường Thái tràn ngập
Các chuyên gia của FPTS cũng nhấn mạnh về nguồn đường nhập khẩu từ Thái Lan, là quốc gia có sản lượng đường lớn nhất, chiếm 62% sản lượng đường cả khu vực và cũng là quốc gia duy nhất xuất khẩu ròng.
Thị trường xuất khẩu đường của Thái Lan chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN. Vì vậy, khi hiệp định ATIGA quy định không giới hạn ngạch nhập khẩu vào năm 2018 sẽ là động lực gia tăng xuất khẩu của nước này vào khối, trong đó có thị trường Việt Nam.
Rõ ràng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước rất lo sợ chuyện này xảy ra, nhất là khi Việt Nam thường xuyên ở vị thế nước nhập khẩu ròng mặt hàng đường do năng lực sản xuất trong nước còn thấp và kém cạnh tranh về giá.
Với ngành đường trong nước, theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đây là một trong những ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức, rủi ro khi hội nhập.
Ông Hải cho biết từ những năm 2013 – 2014, VSSA đã từng đề nghị kéo thuế suất giá trị gia tăng (VAT) với ngành đường từ mức 5% về 0% nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, giá đường của Việt Nam khá cao, kém cạnh tranh. Cụ thể, các nhà máy đường thu mua nguyên liệu từ nông dân là 50 USD/tấn mía trong khi ở nhiều nước chỉ khoảng 30 USD/tấn.
Do đó, cũng theo ông Hải, tuy mức thuế suất VAT chỉ 5% nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của ngành đường trong nước. Mặc dù có một số chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tế để tác động tới sự hỗ trợ cho ngành mía đường, giúp nông dân làm ra cây mía có giá thành thấp hơn, chất lượng cao hơn.
![]() |
Đường nhập khẩu từ Thái Lan có thể sẽ tăng mạnh khi ATIGA có hiệu lực
Chưa kể, ngành đường Việt Nam thời gian qua đã chịu tác động lớn bởi tình trạng buôn lậu. Thực tế, mỗi năm Việt Nam sản xuất 1,2 – 1,3 triệu tấn đường nhưng đường lậu vào Việt Nam lên đến 500.000 tấn/năm.
Vì kém cạnh tranh về giá nên xuất khẩu đường của Việt Nam cũng có xu hướng đổ dốc. Nếu như năm 2013, Việt Nam xuất khẩu đường đạt kim ngạch 243,6 triệu USD, đến năm 2015 chỉ còn 61,3 triệu USD.
Sang năm 2016 lại càng thấp hơn do lượng cung đường trong nước giảm, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Khó tránh “trái đắng”
Theo giới chuyên gia, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đường tinh luyện, chiếm trên 90% tổng kim ngạch, còn lại là các loại đường khác. Đường Việt Nam có giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh kém, bất lợi về giá, thuế và các loại phí liên quan nên xuất khẩu theo đường chính ngạch dạng đóng gói không đáng kể, chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của đường Việt Nam là Trung Quốc chiếm trên 80% tổng kim ngạch, các thị trường còn lại như Singapore, Hoa Kỳ có kim ngạch xuất khẩu không đáng kể.
Riêng năm 2016, Việt Nam xuất một lượng đường nhỏ, chủ yếu sang Myanmar và Hoa Kỳ, không xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Lượng đường xuất khẩu thay đổi hàng năm, phụ thuộc vào mức độ dư thừa đường trong nước và sự quản lý cửa khẩu phụ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trở lại vấn đề ATIGA, nếu xét về khả năng cạnh tranh, đường Việt Nam còn thua xa so với đường Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Nếu như giá mía ở Thái Lan chỉ khoảng 600.000 đồng/tấn, tại Việt Nam con số này cao hơn gần gấp đôi, vào khoảng 900.000 – 1.200.000 đồng/tấn. Đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường trong nước và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam.
Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là từ Thái Lan. Trước niên vụ 2015/2016, ước tính lượng đường nhập lậu từ Thái Lan trung bình khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm, chiếm 30% tổng sản lượng đường sản xuất của Việt Nam (theo ước tính của Tổng cục Hải quan và ISO).
Tuy nhiên, đến niên vụ 2016/2017, tình hình đường buôn lậu trở nên phức tạp hơn, lượng đường nhập lậu có thể lên đến 500.000 tấn. Theo phân tích từ công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường trong nước và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam.
Điều đáng nói, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Trữ đường của mía chưa cao. Chưa có giải pháp để người nông dân chuyên tâm trồng mía. Các nhà máy đường chưa ổn định vùng nguyên liệu. Mặt khác, xu hướng mua bán và sáp nhập trong ngành được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Cần phải nhìn nhận một thực tại là bản thân các DN sản xuất đường trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi các nhà máy được phân bố theo vùng miền, nên chủ yếu sản xuất và tiêu thụ tại chỗ. Vì vậy, mức độ cạnh tranh giữa các công ty trong ngành thấp.
Thanh Loan