Mới qua tháng đầu năm 2024 nhưng ngành du lịch Việt Nam đã đón nhiều tin vui, mở ra kỳ vọng cho một năm tăng trưởng tích cực.
Nhiều tin vui từ ngành du lịch
Ngay từ kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các địa điểm du lịch trên toàn quốc đã đồng loạt đón nhận lượng khách du lịch cả trong nước và nước ngoài tăng mạnh từ khoảng 30-60% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, lượng khách quốc tế được ghi nhận tăng mạnh. Chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ, Việt Nam đã đón khoảng 72.000 lượt khách, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2023. Thời gian này, Việt Nam cũng đã đón liên tiếp 5 du thuyền chở khách tham quan quốc tế. Trong đó, 2 siêu tàu biển là tàu Vasco Da Gama (Bồ Đào Nha) và tàu Celebrity Solstice (Malta) cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, mang theo gần 3.700 khách du lịch châu Âu, Mỹ. Đây cũng là một trong những đoàn khách lớn nhất từ tháng 10/2023 đến nay.
Hết tháng 1 số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 1/2024 Việt Nam đã đón 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019 thời điểm trước dịch.
Siêu du thuyền chở hơn 2.600 khách quốc tế tới tham quan Hạ Long vào dịp Tết Dương lịch. |
Đây là tháng thứ 7 liên tiếp Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách và cũng là tháng đón nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19. Đem về doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài tệp khách hàng quen thuộc từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... nước ta cũng đã đón một lượng khách đáng kể từ các quốc gia châu Âu với mức tăng rất cao từ 25-70% so với ngay thời điểm tháng 12/2023, như Nga tăng 41,2%, Anh tăng 37,4%, Đan Mạch 74%, Italy 63%, Thụy Điển 56%, Hà Lan 25,4%,...
Những con số này cho thấy Việt Nam đang có một sự tăng trưởng rất nhanh chóng về quy mô và chất lượng. Việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh của du khách, xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch và liên tục làm mới các sản phẩm du lịch để tăng sức cạnh tranh đã và đang mang lại hiệu quả, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những điểm đến được yêu thích hàng đầu châu Á.
Với những khởi đầu thuận lợi như hiện tại, các Bộ, ban ngành đang rất hy vọng vào sức bật của ngành du lịch sẽ giúp đem lại màu sắc cho bức tranh nền kinh tế được dự báo vẫn còn ảm đạm. Đồng thời, có thể lan tỏa, cộng hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như tiêu dùng, đầu tư,… góp phần phục hồi tích cực kinh tế-xã hội,
Kỳ vọng tăng trưởng
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch đang đặt ra nhiều mục tiêu cao trong năm 2024, đó là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ các cơ quan chính quyền, ban ngành trung ương, các doanh nghiệp cũng đang đặt rất nhiều kỳ vọng và niềm tin vào sự tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2024.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch-khách sạn do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố mới đây ghi nhận, 66,7% số doanh nghiệp ngành này cho rằng, triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn; trong đó, 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024; 85,7% doanh nghiệp kỳ vọng sự tăng trưởng về lợi nhuận và lượt khách.
Trong đó, hai yếu tố như chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) và miễn visa cho khách từ một số nước, cùng với việc đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch được phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là “đòn bẩy” chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Tiếp thu ý kiến và kỳ vọng của các doanh nghiệp, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết sẽ nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo đột phá, đáp ứng yêu cầu để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cụ thể, trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì, phát huy các đặc điểm nổi trội của du lịch Việt Nam như sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, văn hóa, phi giải trí, hạ tầng hàng không, mức độ an toàn, an ninh. Cùng với đó chú trọng bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cho du lịch; đẩy mạnh đầu tư cải thiện hạ tầng hàng không đáp ứng yêu cầu thu hút khách; có chính sách bình ổn giá cả dịch vụ để kích cầu du lịch.
Ngoài ra các yếu tố về tăng cường quản lý của nhà nước; phát triển cơ sở hạ tầng; dịch vụ du lịch; xúc tiến đầu tư; đa dạng các hình thức du lịch văn hóa, nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh cũng sẽ được Cục Du lịch chú trọng.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho biết đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát huy nội lực, làm mới hình ảnh doanh nghiệp, gia tăng dịch vụ, sản phẩm để bắt kịp xu hướng… với kỳ vọng có thể đạt được bước đi mạnh mẽ trong năm mới.
Chia sẻ về góc nhìn của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng trở lại nhưng để bứt phá tốt hơn vẫn cần có sự thay đổi toàn diện hơn về nhận thức, cách làm, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Nhận xét về những mục tiêu trong năm mới, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia lạc quan nhận định: "Kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024 cho thấy hiệu quả của chính sách thị thực mới, lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Đây là tín hiệu khả quan cho mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024".
Bích Tâm