Nhận định mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), cho thấy GDP nông nghiệp của Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Cơ hội để thay đổi
Theo WB, một số vấn đề môi trường đang ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và vị thế quốc tế của nông sản Việt Nam. Một số thể chế cũ giờ đây lại đang kìm hãm, hoặc hạn chế quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam, làm cho nông nghiệp không theo được những hướng đi mới cần thiết, để có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng.
Vấn đề này được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn Mekong Connect - Ceo Forum 2016 - một diễn đàn lớn nhất khu vực ĐBSCL với chủ đề “Tìm Cơ trong Nguy - Đối mặt BĐKH, Vấn nạn môi trường và Thách thức hội nhập” diễn ra tại Cần Thơ ngày 26/10.
Phác họa sơ về nông nghiệp Việt Nam trong năm 2016, theo Ts. Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Australia), nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng âm do hạn hán, xâm nhập mặn. Điểm đáng chú ý là xuất khẩu (XK) rau quả từ đầu năm 2016 đến nay lại vượt mặt XK gạo, còn XK nông lâm thủy sản thì có dấu hiệu chững lại trong 2 năm trở lại đây, với kim ngạch khoảng 30 - 31 tỷ USD.
Ts. Nguyễn Quốc Vọng cho rằng nông nghiệp Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới: BĐKH và đòi hỏi về an toàn, chất lượng cao và giá rẻ. Tương lai của nông sản vẫn là dấu hỏi lớn, khi theo dự báo của WB thì hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới (đến năm 2020). Gạo sẽ giảm giá 7%, cà phê Robusta và tôm sẽ giảm 13%, cao su chạm đáy năm 2015 có thể tăng trở lại, nhưng rất khó quay trở lại với mức giá trước năm 2013.
Trong khi đó, như cảnh báo của PGs.Ts. Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ), mô hình thủy văn cho vùng ĐBSCL cho thấy xu thế lũ trong giai đoạn 2030 - 2040 sẽ khác đi so với hiện nay.
![]() |
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới
Theo đó, diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu - Cà Mau, nhưng số ngày chịu ngập ở các tỉnh đầu nguồn sẽ giảm. Tình hình nhiệt độ gia tăng, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và mực nước biển dâng cao sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra các vấn đề khó khăn do sự phát triển của khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, dưới góc độ của phía cơ quan quản lý nhà nước, nói như ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, trong khó khăn của nền kinh tế nông nghiệp, như ở vùng ĐBSCL, không phải là không có lối thoát, trong khó khăn không phải chúng ta không có hành động.
Còn theo quan điểm của ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn xâm nhập mặn vừa qua, cơ hội trong biến cố là những chuyện mà ông bà của mình đã tích lũy. Do đó, nhân biến cố xâm nhập mặn vừa qua chính là cơ hội để ĐBSCL nhìn lại để thay đổi, để thích ứng, chẳng hạn như đặt lại vấn đề quy hoạch tổng thể cho phát triển nông nghiệp.
Cần một chữ “RICH”
Nói đến tác động lớn của BĐKH, Ts. Philippe Zerillo (Đại học SMU từ Singapore) cho biết nó sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, từ đó làm cho chuỗi cung ứng nông nghiệp trong hoạt động SX-KD bị tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, trong bối cảnh tìm cơ trong nguy, như khuyến nghị của Ts. Philippe, Việt Nam rất cần hệ sinh thái mới, trước hết là sự liên kết giữa 3 thành tố quan trọng là Nhà nước, nhà DN và nhà khoa học.
Bởi lẽ, tác động của BĐKH lên nông nghiệp sẽ không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của hiện tượng ấm lên toàn cầu, mà nó còn phụ thuộc cả vào năng lực thích ứng với hoàn cảnh mới này. Và, điều đó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả tốc độ BĐKH, sự sẵn sàng về nguồn lực của khu vực tư nhân và hành động của Chính phủ.
Dành tâm huyết cho một nền kinh tế nông nghiệp còn nhiều bấp bênh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã lưu ý rằng nếu nông nghiệp nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng không thích ứng trước hội nhập, thì nguy cơ sẽ như “những con ếch ở mặt ao” là điều khó tránh khỏi.
Từ các vấn đề thời sự của kinh tế và nông nghiệp Việt Nam, bà Lan gợi ý trong sản xuất nông nghiệp cần hướng đến tích tụ đất đai, xuất hiện trang trại trung bình và lớn, cơ giới hóa, thay đổi lớn trong cách thức sử dụng đất theo hướng linh hoạt, nông dân chủ động, cần có quy mô sản xuất lớn hơn trong chăn nuôi và thủy sản.
Cụ thể, thay đổi cơ cấu GDP nông nghiệp (chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp). Tỷ trọng kinh doanh nông nghiệp gấp đôi tỷ trọng nông nghiệp giản đơn trong GDP. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống mức 25 - 30%; thay đổi lớn trong cơ cấu dịch vụ giữa khu vực công và tư.
Cốt lõi mà bà Phạm Chi Lan muốn nền kinh tế nông nghiệp nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đạt tới sự giàu có là cần một chữ “RICH”. Đó là Resillient (chống chịu với BĐKH, phát triển bền vững), Innovatie (đổi mới sáng tạo trong canh tác, kinh doanh và quản trị phát triển), Conectivities (kết nối các nhà, các vùng, hình thành các chuỗi giá trị) và Harmonius (phát triển hài hòa dung hợp).
Thế Vinh