Trong đó, một số nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: Ngô hạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD); khô dầu các loại 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD); DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD); cám các loại 474 nghìn tấn (tương đương 110 triệu USD); tấm và gạo 414 nghìn tấn (tương đương 145 triệu USD); đậu tương hạt 343 nghìn tấn (tương đương 226 triệu USD); thức ăn bổ sung 527 nghìn tấn (tương đương 574 triệu USD).
Theo thống kê 10 tháng, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,21 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 19,1%, đạt 816,21 triệu USD; tiếp đến là thị trường Mỹ chiếm 14,1%, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 603,7 triệu USD… Lượng nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm ở mức 8-10% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ thị trường Đông Nam Á trong 10 tháng năm 2023 cũng giảm 15% so với 10 tháng năm 2022, đạt 261,04 triệu USD, chiếm 6,1%. Nhập khẩu từ thị trường EU giảm mạnh 43,8%, đạt 222,44 triệu USD, chiếm 5,2%.
![]() |
Hiện ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn nhập khẩu phần lớn từ nước ngoài. |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước trong 11 tháng đạt trên 1,1 tỷ USD. Dù mức xuất đi tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, tuy vậy, có thể thấy so với mức nhập khẩu nguyên liệu vẫn có sự chênh lệch lớn.
Xét về giá cả, trong năm 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022. Cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); DDGS 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%).
Mặc dù có giảm hơn năm trước tuy nhiên giá các nguyên liệu này vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).
Không chỉ vậy, dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình cả năm giảm so với năm 2022 thì giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 - 3,5% so với năm 2022.
Cục Chăn nuôi cho biết, giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh đã được điều chỉnh qua khoảng 6 đợt giảm giá kể từ tháng 6/2023 nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều. Do đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn khá cao, tiêu biểu như giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cho heo vẫn cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).
Hiện ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn nhập khẩu phần lớn từ nước ngoài (ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước. Điều này đã tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh giá cả thế giới diễn biến thất thường, đòi hỏi họ phải có những chiến lược phù hợp trong năm tới.
Nhằm đảm bảo ổn định thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, trong năm 2024, Cục sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Bích Tâm