Bết bát trong năm 2015, nhưng năm 2016, ngành tôm được nhận định có cơ hội phục hồi, khi thị trường Trung Quốc được khơi thông do lệnh cấm NK tôm sú tươi của Việt Nam được dỡ bỏ.
Đau đầu với nạn tiêm chích tạp chất
Nhận định về tình hình XK tôm thời gian qua, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEPPRO - VASEP), cho biết năm 2015 là năm điêu đứng của ngành tôm. So với 16 năm qua, đây là năm ngành tôm có mức tăng trưởng âm nhất. Do chịu ảnh hưởng của sức tiêu thụ kém, nhiều thị trường NK chịu tác động của biến động ngoại tệ, nên XK tôm năm 2015 đạt gần 3 tỷ USD, giảm 25% so với năm trước trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 59%, tôm sú chiếm 33%.
Tuy nhiên, XK tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong XK thủy sản (tương đương 44%). XK tôm Việt Nam phải nhường vị trí quán quân cho Ấn Độ. Năm 2015, tôm Việt Nam đã XK sang 95 thị trường, con số này tương đối thấp so với năm 2014 (150 thị trường).
XK sang các thị trường chính đều sụt giảm mạnh: Thị trường Mỹ giảm 38%, EU giảm 19%, Nhật Bản giảm 21%, Trung Quốc giảm 15%. Tôm Việt Nam rơi vào vòng xoáy giảm giá mạnh. Tôm sú cỡ 16/20 của Việt Nam giảm 1%, từ 11,3 USD xuống còn 9,75 USD/pound. Tôm sú vỏ cỡ 21/25 của Việt Nam giảm gần 30% từ 7,5 USD/pound xuống còn 5,8 USD/pound.
Trong năm 2016, sản lượng tôm của các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador được dự báo sẽ sụt giảm, do mưa nhiều. Trong khi đó, nhu cầu NK của các thị trường lớn như Mỹ, EU đã nhích lên. Giá tôm thế giới có khả năng sẽ phục hồi. Một tháng trở lại đây, giá tôm tại thị trường chính liên tục tăng.
Theo bà Lê Hằng, năm 2016, ngành tôm có khả năng vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng giảm giá và biến động tiền tệ, nhưng XK sẽ tăng. Dự báo XK tôm của cả năm 2016 đạt khoảng hơn 3,3 tỷ USD, tăng khoảng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kiểm soát chất lượng tôm vô cùng khó
Xây dựng chuỗi giá trị
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết có những khách hàng từng nói sẽ mua tôm của Minh Phú, nếu bảo đảm 100% tôm không dính tạp chất agar, tăm tre, tăm dừa, phải chứng minh được hệ thống giám sát từ người nuôi đến chế biến.
Tuy nhiên, theo ông Quang, làm được điều này không dễ. Một năm DN này xuất đi cả ngàn container, nhưng chỉ cần một lần dính tôm nhiễm tạp chất thôi cũng không được chất nhận. Kiểm soát chất lượng tôm vô cùng khó đặc biệt với tôm sú hộ dân chủ yếu nuôi quảng canh mỗi ngày mỗi hộ thu được khoảng 5 - 7 kg, kiểm soát đến tận hội nuôi nhỏ lẻ này về đến nhà máy là rất khó khăn.
DN đã mua máy chiếu, nhưng không thể bảo đảm kiểm soát hết được. Chi phí giám sát chất lượng, kiểm soát kháng sinh cũng tương đối cao, khoảng 8.400 đồng/kg, góp phần tăng giá thành sản xuất khiến tôm Việt càng khó cạnh tranh.
“Chính vì vậy, dù tôm sú của Việt Nam rất ngon, nhưng cách làm ăn gian lận, bơm chích tạp chất của thương lái khiến nhiều khách hàng đã quay lưng với tôm sú Việt Nam. Hiện chỉ có Mỹ mới mua loại tôm này, hậu quả lượng tồn kho của tôm sú rất nhiều”, ông Quang cho biết.
Ông Quang cho rằng hành vi bơm chích tạp chất dù được lợi một chút, nhưng đã đẩy ngành tôm vào cảnh điêu đứng. Điều này tương tự như việc chúng ta đang dùng dao tự đâm vào chính chúng ta. Để khắc phục được tình trạng này, cần xây dựng chuỗi giá trị có trách nhiệm, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP, không nhiễm vi sinh kháng sinh, không bị bơm tạp chất, cắm tăm tre, tăm dừa...
Theo các chuyên gia, để giải quyết các thách thức của ngành tôm, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tôm sạch (không kháng sinh) cho người nuôi, nậu vựa, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến để có nguyên liệu tôm không kháng sinh, không tạp chất.
Xem xét lại chính sách tạm nhập, tái xuất nguyên liệu qua biên giới với Trung Quốc. Đầu tư nghiên cứu các mô hình nuôi bền vững phù hợp để ổn định và tăng trưởng sản lượng phù hợp với điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt (có thể tham khảo mô hình nuôi tôm của Ecuador).
Rà soát cấp phép và kiểm soát giá và chất lượng vật tư cung cấp cho sản xuất (thực hiện thanh tra xử lý mạnh tay nếu vi phạm). Đề nghị các nhà máy chế biến tôm khi được cấp phép hoạt động phải cam kết có chứng nhận quốc tế như BAP va ASC trong thời gian quy định để không ảnh hướng đến các nhà máy làm ăn chân chính và đến thương hiệu chung của Tôm Việt Nam.
Thu Hường