Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mỹ, EU, Nga, Canada và Israel lần lượt là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh có xu hướng tăng trưởng liên tục từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8 là hơn 23 triệu USD. Tính luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 137 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, càng về cuối năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này đang chậm lại.
Đáng chú ý trong số các thị trường xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay là sự gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nga. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh sang thị trường này đã tăng 80%, đạt gần 18 triệu USD. Con số này đã đưa Nga trở thành thị trường nhập khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Với những ưu đãi về thuế quan và hệ thống vận tải thuận lợi, Nga đang là thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam trong giai đoạn này.
Sau khi sụt giảm xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong 8 tháng năm 2024. Đáng chú ý trong tháng 8 vừa qua, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đạt mức cao kể từ đầu năm đến nay, đạt hơn 51 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS0304 luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam mã HS0304 thường là các sản phẩm như loin cá ngừ đông lạnh; thịt cá ngừ cắt miếng (steak) hoặc cắt saku…
Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh đã xuất được sang hơn 70 thị trường trên thế giới. Trong đó Mỹ, EU, Nga, Canada và Israel lần lượt là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm sản phẩm này của Việt Nam. So với cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang cả 5 thị trường kể trên đều tăng.
Xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh tại thị trường Mỹ có xu hướng tăng trưởng liên tục từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8 là hơn 23 triệu USD. |
Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU trong 8 tháng đầu năm 2024 mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, đạt 55 triệu USD, tăng 9% so với vùng kỳ năm 2023. Nhưng xu hướng xuất khẩu không ổn định qua các tháng. Hà Lan, Lithuania và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm sản phẩm này của Việt Nam trong khối EU. Đáng chú ý nhất trong số các thị trường này là Hà Lan, quốc gia Tây Âu này có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam trong nhiều tháng, với tốc độ tăng trưởng ở mức 3 con số.
Tuy nhiên, càng về cuối năm giá trị xuất khẩu sang thị trường này không còn cao như những tháng đầu năm. Tính luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang Hà Lan tăng 68%, đạt gần 18 triệu USD. Theo các doanh nghiệp, các ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA là lợi thế thúc đẩy xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang EU. Nhưng bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao đang ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu nhóm sản phẩm này.
Về tổng kim ngạch XK thủy sản, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng xuất khẩu thủy sản trong quý 3 năm nay đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể gồm cá tra tăng 13,5%, XK tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng 95%.
Báo cáo của đơn vị này cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 9, xuất khẩu cá ngừ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 715 triệu USD. Trong đó cá ngừ loin/phile đông lạnh chiếm 48% với 346 triệu USD, tăng 9,6%, XK cá ngừ đóng hộp chiếm 30% đạt 214 triệu USD, tăng 16,6%. Phần lớn tăng trưởng XK cá ngừ đều là kết quả của nửa đầu năm.
Tuy nhiên, theo VASEP, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành cá ngừ Việt Nam hiện nay là vấn đề nguyên liệu. Hiện hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu và không ổn định. Nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong việc làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) do các vấn đề về an toàn thực phẩm tàu cá hoặc khai thác ở vùng biển không đúng quy định.
Hệ thống giám sát hành trình trên các tàu cá cũng gặp nhiều trục trặc, dẫn đến việc mất kết nối giám sát hành trình, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm giấy S/C của doanh nghiệp. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp.
Để khắc phục những thách thức hiện tại, ngành cá ngừ Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng và ổn định nguồn nguyên liệu trong nước. Điều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ khai thác, bảo quản và chế biến cá ngừ, cũng như cải thiện hệ thống giám sát và quản lý tàu cá. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Ngành cá ngừ cần thiết lập một chuỗi cung ứng bền vững, từ khâu khai thác, chế biến đến vận chuyển và tiêu thụ, là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành cá ngừ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành cá ngừ. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, quản lý chất lượng và nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cá ngừ Việt Nam. Cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và các tổ chức quốc tế để tận dụng các cơ hội phát triển và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế...
Hồng Hương