Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam lên gấp 5 lần
Mức thuế mới này sẽ làm giảm đà tăng trưởng xuất khẩu tôm VN vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của VN.
Cụ thể POR10 áp dụng cho những lô hàng xuất khẩu từ ngày 1.2.2014 - 31.1.2015. Mức thuế mới mà DOC đưa ra với cả bị đơn bắt buộc và tự nguyện là 4,78%. DOC đưa ra mức thuế sơ bộ cho POR10 hồi tháng 3.2016 là 3,56%. Còn mức thuế cuối cùng của POR9 là 0,91%. Mức thuế suất áp dụng trên toàn quốc trong đợt này là 25,76%.
Theo VASEP, sở dĩ mức thuế này tăng cao là do DOC vẫn áp dụng phương pháp định giá phân biệt (cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về 0) để tính toán biên độ phá giá. Theo quy tắc của WTO thì không được áp dụng phương pháp quy về 0 trong các đợt rà soát hành chính. Tuy nhiên, luật pháp của Mỹ vẫn cho phép áp dụng phương pháp này trong việc tính toán biên độ phá giá. Việc này là không phù hợp với cam kết trong WTO. “Với những số liệu hiện nay, nếu không áp dụng phương pháp quy về 0 thì chắc chắn mức thuế chống bán phá giá của doanh nghiệp VN sẽ về 0%”, thông báo của VASEP cho hay.
Thông báo của VASEP cũng cho biết sau quyết định cuối cùng trong POR10, VASEP đang chuẩn bị hồ sơ để khiếu nại lên tòa án thương mại quốc tế của Mỹ, kể cả cấp cao hơn để yêu cầu DOC tính lại mức thuế này. Theo quy định, VN có quyền nộp đơn đề nghị lên tòa án thương mại quốc tế Mỹ trong vòng 30 ngày.
Trước mắt, quyết định tăng thuế CBPG sẽ gây áp lực tâm lý tới các doanh nghiệp xuất khẩu và tạo tâm lý chưa ổn định cho phía khách hàng, khiến hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên về lâu dài khi các bên đều xác định được VN không bán phá giá tôm, hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ dần đi vào ổn định.
Trên thực tế, mức thuế DOC mới công bố chỉ là mức thuế tạm tính, phải đợi đến kỳ xem xét hành chính cho những lô hàng xuất khẩu năm 2016 (khoảng 2 năm sau) thì mới biết mức thuế chính xác cho các lô hàng xuất khẩu hiện tại.
H.T