Việc bổ sung các sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, và sản phẩm đóng hộp là cách thức hiệu quả để tiêu thụ quanh năm, bất kể mùa vụ. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh rằng việc nâng cao giá trị gia tăng thông qua các sản phẩm chế biến giúp kéo dài thời gian bảo quản và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm của thị trường Hoa Kỳ.
Nâng cao giá trị gia tăng
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30 - 45% mỗi năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10 - 20% một năm.
6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ đã đạt gần 150 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng trái cây tươi được chế biến vẫn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương 14% sản lượng thu hoạch hàng năm.
Hiện nay Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bao gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa.
Ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia phát triển thị trường USAID IPSC (Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam) nhận định cơ hội cho các sản phẩm hoa quả chế biến của doanh nghiệp Việt Nam đang rộng mở.
Dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ thay đổi thói quen tiêu dùng ăn uống từ việc sử dụng trái cây tươi sang ưa chuộng hàng đông lạnh, tiện dụng và có thể bảo quản được lâu. Điều này mở ra các cơ hội lớn cho Việt Nam bởi các mặt hàng này chịu ít rào cản kỹ thuật hơn so với sản phẩm trái cây tươi.
Đơn cử như trường hợp của quả dừa Việt Nam, tháng 8/2023, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.
"Các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Hoa Kỳ ngay lập tức. Vì APHIS đã phân loại dừa đã tách một phần vỏ là sản phẩm đã qua chế biến nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ”, thư của APHIS khẳng định.
Điều này có nghĩa là thay vì phải trải qua quy trình pháp lý đối với trái cây và rau quả tươi, quả dừa đã tách vỏ (dừa sọ) được áp dụng các quy chuẩn của các sản phẩm đã qua chế biến, giúp đẩy nhanh tiến độ đáng kể để được phê duyệt nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Vượt qua khó khăn hiện tại
Việc xuất khẩu trái cây tươi sang Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Trái cây nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải tuân theo nhiều quy định và đạo luật khác nhau như Đạo luật Bảo vệ thực vật, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm, và Chương trình Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Các vùng trồng và cơ sở chế biến trái cây phải đáp ứng các tiêu chuẩn như GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO, HACCP, và USDA. Những tiêu chuẩn này đảm bảo rằng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn, nấm mốc và quá trình thu hoạch phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng của trái cây.
Mất hơn 4 năm để quả bưởi Việt Nam có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ. |
Theo ông Nguyễn Vũ Trung, quá trình đàm phán và công nhận các tiêu chuẩn này vẫn còn hạn chế, làm chậm quá trình đa dạng hóa sản phẩm nông sản được xuất khẩu. Điển hình, lô bưởi đầu tiên của Việt Nam phải mất hơn 4 năm đàm phán và thực hiện các khâu kỹ thuật để có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào ngày 28/11/2022.
Một vấn đề khác là Việt Nam hiện chỉ có 2 kho chiếu xạ tại TP HCM, dẫn đến nguy cơ ách tắc hàng hóa khi xuất khẩu số lượng lớn. Chiếu xạ cao cũng có thể làm giảm chất lượng của các mặt hàng tươi như vải, nhãn, thanh long, khiến quả nhanh bị nẫu, giảm chất lượng sản phẩm, khi xuất khẩu khó có thể cạnh tranh với hoa quả nhập khẩu từ các nước lân cận Hoa Kỳ.
Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa, kèm chi phí vận chuyển và bảo quản cao cũng là nguyên nhân khiến hàng nông sản của Việt Nam nói chung, đặc biệt là sản phẩm tươi nói riêng chưa tiếp cận được nhiều với thị trường Hoa Kỳ.
“Để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị địa phương và doanh nghiệp.
Hơn nữa, các cơ sở chế biến và bảo quản trái cây cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện tại, sản lượng trái cây tươi được chế biến chỉ chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 14% sản lượng thu hoạch hàng năm). Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm thiểu tổn thất trong quá trình vận chuyển xa và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng Mỹ.
Để tăng cường sự hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược quảng bá bài bản, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á, và tối ưu hóa mô hình logistics chuyên dụng cho nông sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang đàm phán với Hoa Kỳ để áp dụng thêm các biện pháp kiểm dịch khác như xử lý hơi nước nóng, giúp tiết giảm chi phí và tận dụng nguồn lực hiện có.
Đỗ Kiều