Thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho biết, trong vòng 8 tháng đầu năm nay, hầu hết các mặt hàng nông sản Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam đều tăng mạnh. Đơn cử như thóc đạt hơn 2,38 triệu tấn, tăng gần 86% so với cùng kỳ năm ngoái; hạt tiêu khoảng 24.476 trên tổng số 24.847 tấn xuất khẩu của nước này.
Kim ngạch gia tăng vì... Covid-19
Một báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cũng cho thấy, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2021, Campuchia đã bất ngờ "soán ngôi" Mỹ và Trung Quốc để trở thành "quán quân" xuất khẩu nông sản vào Việt Nam, với kim ngạch lên tới 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần. Theo tìm hiểu của VnBusiness, phần lớn hàng hóa Việt Nam nhập từ Campuchia trong năm nay đều là các sản phẩm nông nghiệp: Lúa gạo, hạt điều, cao su, ngoài ra còn có rau, củ, hoa quả các loại...
Vì sao lại có sự đột biến, đảo chiều trong xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng từ Campuchia sang Việt Nam? Đem câu hỏi này tới các chuyên gia nông nghiệp và một số doanh nghiệp, họ lý giải rằng, những năm trước đây, nông sản của Campuchia cũng đã xuất sang Việt Nam nhưng chủ yếu là qua hình thức "đường mòn, lối mở" nên không được cập nhật vào số liệu chính thức. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt việc nhập khẩu hàng hóa Campuchia từ các cửa khẩu nên các số liệu đã được thống kê chi tiết hơn.
![]() |
Việt Nam đang nhập nhiều mặt hàng nông sản từ Campuchia. |
Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến giá cước vận tải biển tăng và tình trạng thiếu container rỗng cũng gây áp lực cho việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia. Trong khi xuất khẩu nông sản từ nước này sang Việt Nam lại tương đối thuận lợi do địa lý liền kề.
Có vẻ như cách lý giải này cũng có lý, thậm chí là điều bình thường nếu theo dõi tình hình lưu thông hàng hóa trên thế giới trong thời gian vừa qua, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Còn ở góc độ kinh tế, thương mại thì rõ ràng việc lưu thông hàng hóa đang tuân theo quy luật cung cầu. Thứ nhất, Campuchia là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, giá lao động rẻ, chi phí sản xuất thấp... nên nếu xuất khẩu sang Việt Nam có lợi thì họ xuất. Thứ hai, một số doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến điều, hạt tiêu hiện đang có nhu cầu chế biến cao nhưng do biến đổi khí hậu, sản lượng hồ tiêu trong nước bị giảm nên các họ đẩy mạnh nhập khẩu về chế biến.
Một nguyên nhân khác cũng không thể không nhắc đến là thời gian qua, do Chính phủ Campuchia đã đẩy mạnh hỗ trợ người nông dân trồng trọt theo hướng xanh, bền vững nên nông sản của Campuchia đã cho năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến, từ đó được nhiều quốc gia trong đó có thị trường Việt Nam ưa chuộng.
Thí dụ như hồ tiêu, dù không chú trọng thâm canh so với Việt Nam, nhưng năng suất tiêu của Campuchia luôn được xếp vào top đầu đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha. Trong khi Việt Nam có năng suất chỉ đạt khoảng 3,2 tấn/ha. Cũng phải nói thêm, có tới 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và hai nước đang mua hồ tiêu của họ nhiều nhất chính là Việt Nam và Thái Lan.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với 285.292 tấn. Do đó, các doanh nghiệp Việt vẫn ưu tiên nhập khẩu hàng nghìn tấn tiêu từ các nước, trong đó có Campuchia.
Còn theo Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 16.921 tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Indonesia và Brazil thì Campuchia chính là một trong 3 nước Việt Nam nhập khẩu tiêu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm khi đạt 3.866 tấn, tăng 92,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý do được các nhà nhập khẩu đưa ra là ngoài chất lượng, giá tiêu xuất xứ từ nước này rẻ hơn giá tiêu trong nước 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cùng với đó, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam hơn, vận chuyển dễ dàng, chi phí rẻ hơn nên doanh nghiệp nhập tiêu từ Campuchia nhiều để dự trữ hoặc chế biến để gia tăng giá trị.
Bình thường hay bất thường?
Như đã phân tích ở trên, hiện nay Campuchia đang có chính sách thúc đẩy phát triển nông sản xuất khẩu, chính vì vậy mà Chính phủ nước này cũng tìm cách để nâng kim ngạch XK nông sản sang nhiều thị trường trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, nông sản Campuchia cũng ngày càng chất lượng hơn và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực như: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan...
Những phân tích ở trên rõ ràng có lý khi chính chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây cũng nói rằng, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn nhập khá nhiều các mặt hàng nông sản của Campuchia như: gạo, sắn, trái cây... nhưng gần đây, Việt Nam còn tăng cường nhập hạt điều, hạt tiêu để phục vụ nhu cầu chế biến cũng như tiêu dùng trong nước.
Theo ông Xuân, nông sản Campuchia có ưu điểm là ít các loại hóa chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên nông sản không chỉ ngon mà chất lượng còn đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng.
"Đặc biệt, nhận thấy lợi thế về mặt địa lý, chi phí thế đất và lao động thấp, nhiều diện tích đất chưa khai phá, gần đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã sang Campuchia thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam để tiêu thụ. Như vậy, sẽ có lợi hơn về giá thành so với khi thuê đất nông nghiệp ở nước ta để sản xuất”, ông Xuân nói thêm.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp nhập điều từ Campuchia về chế biến để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. |
Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, tình trạng tăng nhập hàng hóa từ Campuchia cũng xuất phát từ việc, nhiều nước tăng xuất khẩu vào Việt Nam để tận dụng nguồn gốc xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi vì Campuchia nằm trong khối ASEAN và được hưởng thuế suất ưu đãi xuất/nhập khẩu với Việt Nam. Tiêu biểu như hạt điều nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%...
Ưu tiên phát triển chế biến dựa trên nguồn nguyên liệu trong nước
Nhưng không phải địa phương nào cũng gia tăng nhập khẩu nông sản từ Campuchia, nhiều địa phương đã chủ động không nhập khẩu nếu địa phương đã có các sản phẩm tương tự, đảm bảo chất lượng.
Trong cuộc họp về Chương trình kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho HTX, THT (Chương trình 503) do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, chia sẻ về vấn đề Việt Nam nhập nhiều nông sản từ Campuchia, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, ông Trần Văn Cứng cho biết An Giang không phải là vùng trọng điểm về sản xuất tiêu, điều trên cả nước nhưng về mặt hàng xoài thì xoài keo của Campuchia có thể về Việt Nam còn các giống xoài khác như cát Hòa Lộc, xoài ba màu… thì An Giang luôn sản xuất theo mô hình rải vụ nên nông sản này có quanh năm để phục vụ xuất khẩu.
“Riêng đối với An Giang sẽ không nhập những giống xoài mà địa phương đã có vì giá cao hơn trong khi nguồn xoài của địa phương rất dồi dào”, ông Cứng cho biết.
Ngoài xoài, An Giang cũng là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm trên cả nước. Theo ông Cứng, tháng 9, An Giang đã xuất khẩu sang Campuchia một số giống lúa nếp. Nhưng đến cuối tháng 9, phía Campuchia đã dừng nhập khẩu lúa từ An Giang. “An Giang là tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng đầu Việt Nam với tổng sản lượng hơn 4 triệu tấn, có nhiều mặt hàng gạo chất lượng cao nên là lợi thế lớn để xuất khẩu gạo. Chính vì vậy, riêng mặt hàng lúa gạo của Campuchia không thể tràn sang An Giang”, ông Cứng cho biết.
Dù những phân tích ở trên hoàn toàn có lý, nhưng ở một góc độ khác, việc Việt Nam nhập khẩu chính những nông sản nước mình đang có và xuất khẩu thì không phải không có những bất cập. Thí dụ như việc nhập khẩu nhiều tiêu, điều, trái cây từ Campuchia sẽ kéo theo diện tích trồng những loại cây này của Việt Nam giảm đi. Từ đó, người nông dân thấy không có lợi sẽ không trồng, làm ảnh hưởng đến sản lượng và thương hiệu nông sản Việt Nam.
Có thể thấy, câu chuyện của An Giang cũng rất đáng chú ý, việc địa phương chủ động không nhập khẩu các loại nông sản mà địa phương đã có để hỗ trợ mặt hàng đó ở địa phương phát triển là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng nâng cao chất lượng đã giúp An Giang luôn bảo đảm thương hiệu cho những thế mạnh nông sản của địa phương và hạn chế tình trạng nhập khẩu. Đây là điều mà các địa phương khác cần học tập để nâng cao vị thế nông sản trên thị trường.
Để tránh việc nhập khẩu tràn lan các loại nông sản từ Campuchia, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên phát triển chế biến dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu trong nước bởi điều, tiêu, cây ăn trái, gạo… đều đang là những mặt hàng nông sản thế mạnh, mang lại thương hiệu cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng tái cơ cấu nguồn giống, sản xuất theo hướng bền vững để nâng cao năng suất, chất lượng.
Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường biện pháp kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng này, kiểm tra các mặt hàng của các thị trường thông qua Campuchia xuất khẩu vào Việt Nam để bảo đảm nguyên tắc xuất xứ cũng như giữ vững thương hiệu nông sản Việt.
Như Yến