Theo nhận định, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024- 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600-800 nghìn tấn mỗi năm. Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Diễn biến lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam từ 2022 đến tháng 3/2024. |
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu lốp xe của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024. Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1-3%/năm trong giai đoạn 2024- 2025.
Trong khi đó, diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Đặc biệt, năm 2024 dự báo sẽ là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, quay trở lại Việt Nam, Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích cao su cả nước đạt khoảng 800-850 nghìn ha (trong đó, vùng Đông Nam bộ đạt 480-500 nghìn ha; Khu vực Tây Nguyên là 180-200 nghìn ha, các vùng khác là 140-150 nghìn ha).
Đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn. 100% lượng mủ và gỗ cao su có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững là 250-300 nghìn ha. Sản lượng mủ cao su thô đạt 1,3-1,5 triệu tấn...
Trong bối cảnh nguồn cung cao su toàn cầu suy giảm, xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng về sản lượng và giá trị. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 116,1 nghìn tấn, trị giá 180,36 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 0,2% về lượng và tăng 10% về trị giá.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 3/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.554 USD/tấn, tăng 4,9% so với tháng 2/2024 và tăng 9,9% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.466 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 3/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 52,83% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 61,34 nghìn tấn, trị giá 90,72 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với tháng 2/2024.
Tuy nhiên so với tháng 3/2023 giảm 29,3% về lượng và giảm 24,3% về trị giá. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.479 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 2/2024 và tăng 7,1% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 287,85 nghìn tấn cao su, trị giá 407,82 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong tháng 3/2024, xuất khẩu cao su sang một số thị trường như: Ấn Độ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Bỉ, Hoa Kỳ... tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 3/2023.
Mới đây, Ấn Độ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn sẽ là bước tiếp mới với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này và đi kèm với đó là nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe.
Thy Lê