Nhiều chuyên gia cảnh báo, cuộc sống của người dân được nâng cao sẽ kéo theo xu hướng tìm đến những dịch vụ cao cấp, doanh nghiệp nội nếu không nhanh chóng chuyển mình sẽ dần “mất khách” và thực trạng về xu hướng tiêu dùng hiện nay chính là lời cảnh báo.
Mỗi năm, người Việt dành khoảng 7 – 8 tỷ USD cho du lịch, 3 tỷ USD để du học, 2 tỷ USD cho khám chữa bệnh tại nước ngoài và 3 tỷ USD mua bất động sản…
“Mạnh tay” chi ngoại tệ
Ở lĩnh vực y tế, theo Sách trắng 2016 do Eurocham công bố ngày 2/3/2016, năm 2015, chi phí cho khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh ước khoảng 2 tỷ USD.
Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên VBF) ước tính, người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD/năm để có được nền giáo dục quốc tế.
Trong khi đó, Báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỷ USD mua nhà tại Mỹ.
Còn Hiệp hội Du lịch Việt Nam mới công bố con số chưa đầy đủ theo ghi nhận từ các cơ quan quản lý du lịch nước ngoài, trong năm 2016, có khoảng 6,5 triệu lượt du khách trong nước đi du lịch nước ngoài (tăng khoảng 15% so với năm 2015) và chi tiêu đến 7 – 8 tỷ USD.
Như vậy, người Việt mang ra nước ngoài 14 tỷ USD để chi tiêu các khoản trên, con số cao hơn lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2016 (ước khoảng 13 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng con số thực còn cao hơn nhiều, do từ năm 2016 đến nay, đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ cao cấp tăng, số lượng người dân đi nước ngoài để du lịch, khám chữa bệnh, du học cũng tăng theo.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một nghịch lý bởi lẽ các lĩnh vực trên Việt Nam đã tạo được những bước đột phá mạnh mẽ, nhất là tiềm năng du lịch, phong cảnh của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới nhưng vẫn chưa “giữ chân” được khách hàng ở trong nước.
Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng xu hướng tiêu dùng trên là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt, nếu không biết chuyển mình để bắt kịp với nhu cầu và tâm thế của một đất nước trong thời kỳ hội nhập, sẽ không những “mất khách” trong nước mà sẽ khó thu hút được khách nước ngoài tới Việt Nam.
![]() |
Mỗi năm, người Việt dành khoảng 7 – 8 tỷ USD cho du lịch, 3 tỷ USD để du học, 2 tỷ USD cho khám chữa bệnh tại nước ngoài và 3 tỷ USD mua bất động sản…
Làm sao giữ được 14 tỷ USD?
Nói về việc làm sao giảm “dòng chảy” ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài, theo một số chuyên gia kinh tế, chỉ có cách là đáp ứng nhu cầu của người dân, biến Tổ quốc thành đất lành, đất hứa thì dòng tiền đi chắc chắn sẽ ít hơn dòng tiền về.
Thực tế hiện nay, những lĩnh vực được người Việt chi tiền mạnh tay nhất lại đang tồn tại nhiều bất cập nhất, dù có những đổi mới mạnh mẽ trong thời gian qua.
Chẳng hạn, về giáo dục, sự không ổn định về chính sách đã khiến người dân mong muốn cho con ra nước ngoài du học. Hay như lĩnh vực y tế, trong những năm qua, ngành y tế đã có những cải cách, thay đổi từ tư duy đến chất lượng và giá cả dịch vụ, song chất lượng đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế, đặc biệt là sự quá tải – mất an toàn vệ sinh ở các bệnh viện – khiến nhiều người không tin vào chất lượng y tế trong nước.
Còn ở lĩnh vực du lịch, mặc dù Việt Nam có một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh), có cảnh quan tuyệt đẹp song lại không hấp dẫn người dân đi tour nội địa, do giá đắt hơn cả tour “xuất ngoại”, trong khi dịch vụ lại đơn điệu, nhàm chán.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng những gia đình có điều kiện thường muốn sử dụng các dịch vụ ở nước ngoài như học tập, khám chữa bệnh và du lịch, coi đó là “thước đo” đẳng cấp xã hội.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Đình Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, bản thân một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng có tâm lý “sính ngoại”, thích khách Tây hơn khách Việt, nên chưa chú trọng đến việc làm thế nào để thu hút khách nội địa.
Ngoài ra, hiện tượng người Việt đầu tư mua nhà, chữa bệnh, du học ở nước ngoài cũng có những lý do gần giống với thực tế nhiều người bỏ nông thôn ra thành phố mưu sinh.
Do đó, để không “chảy máu ngoại tệ” và có thể giữ chân “khách Việt”, các doanh nghiệp cần chuyển mình, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện thái độ phục vụ, đảm bảo dịch vụ chất lượng, môi trường sạch và an toàn.
Thanh Hoa