Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco vừa dẫn lại báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, tổng giá trị quả bơ nhập khẩu của nước này năm 2018 là 2,35 tỷ USD, giảm 11%, từ 2,64 tỷ USD năm 2017, tuy nhiên lại tăng về khối lượng, Mỹ đã nhập 1,04 triệu tấn, tăng 15%, từ mức 0,9 triệu tấn năm 2017.
![]() |
Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng (Ảnh: Internet) |
USDA cho biết, trong các quốc gia xuất khẩu quả bơ vào Mỹ, Mexico với lợi thế là nguồn cung lớn nhất và cũng là nước có biên giới chung với Mỹ, là nước đứng đầu chiếm 87% về khối lượng và 88% giá trị tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo Hiệp hội quả bơ Hass của Mỹ, nhu cầu thực phẩm tươi, sạch của người tiêu dùng đặc biệt là thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980-1996) ngày càng tăng lên thì quả bơ với thành phần dinh dưỡng lý tưởng là sự lựa chọn bổ dưỡng, là nguyên liệu chế biến món ăn hoặc tham gia chế độ ăn uống khoa học.
Một yếu tố quan trọng khác là ẩm thực của Mexico và Pan-Latin ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ giúp tiêu dùng quả bơ phát triển. Do vậy, dự kiến lượng tiêu dùng quả bơ sẽ ngày càng tăng tại thị trường nhập khẩu quả bơ lớn nhất thế giới này.
Khảo sát xu hướng tiêu dùng quả bơ tại Mỹ cho thấy quả bơ được 51% các hộ gia đình tại Mỹ tiêu thụ; số tiền trung bình một hộ gia đình chi để mua quả bơ là 24,5 USD/năm; các chuyến đi du lịch hoặc công tác có tiêu dùng quả bơ trung bình là 6,19 chuyến và số tiền dùng mỗi chuyến là 3,96 USD.
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, để phát huy tiềm năng của cây bơ cũng như thúc đẩy xuất khẩu quả bơ vào các thị trường mới, trong tương lai có thể là Mỹ khi được mở cửa thị trường, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả.
Đặc biệt, nếu làm tốt công tác sản xuất, có sự đầu tư và cách tiếp cận thị trường phù hợp, quả bơ Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Fracisco cũng lưu ý hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua kênh các siêu thị lớn, với khối lượng lớn và do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao.
Về quy cách, đối với thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng có một số quy định tối thiểu đối với quả bơ nhập khẩu như: Về xếp hạng (Grade), tất cả các loại bơ phải xếp loại (ít nhất) là số 2 của Mỹ vì loại này được xác định theo tiêu chuẩn của Mỹ đối với quả bơ Florida.
Về độ chín (Maturity), tất cả các loại quả bơ được nhập khẩu vào Mỹ - ngoại trừ các giống Hass, Fuerte, Zutano và Edranol - phải đáp ứng các yêu cầu về độ chín liên quan đến màu sắc, trọng lượng hoặc đường kính tối thiểu.
Bên cạnh đó, các yêu cầu tối thiểu đối với các loại trái cây như: Còn nguyên vẹn, sạch sẽ, không mang côn trùng; không qua tiếp xúc với các môi trường quá ẩm ướt, ở trong tình trạng có thể vận chuyển, đóng gói được… cũng cần phải được đáp ứng.
Lê Thúy