Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 92,55 nghìn tấn, trị giá trên 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá.
Lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 9/2022. |
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,34 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.443 USD/tấn, tăng 3,3% so với tháng 8/2022 và tăng 16,9% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.283 USD/tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 9/2022 so với tháng 9/2021, lượng cà phê xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực giảm mạnh như: Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Philippines... Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh tăng.
9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh tăng; ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Angieria giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đang gặp áp lực trước nhu cầu thế giới sụt giảm. Những ngày đầu tháng 10/2022, giá cà phê thế giới chịu sức ép giảm. Các nhà đầu tư lo ngại khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp chính sách tới nhằm đẩy lùi lạm phát, có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái. Theo đó, đồng USD tiếp tục là kênh trú ẩn an toàn và người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra khiến giá cà phê chịu áp lực giảm. Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng về sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam với các đối thủ lớn như Brazil, nguyên nhân là do sản phẩm của chúng ta chủ yếu xuất thô, chưa xây dựng được thương hiệu.
Năm 2022, ông Tuấn dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt được kim ngạch 3,9 – 4 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành cà phê đang xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng lên khoảng 6 - 7 tỷ USD/năm. Từ trước đến giờ, Việt Nam vẫn luôn được biết đến là quốc gia về sản lượng, xuất thô cà phê. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành đang cố gắng cải tiến quy cách, chất lượng sản phẩm cà phê. Để làm việc này thì công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng. Việc cập nhật thông tin từ các hiệp định thương mại, động thái mới của thị trường lớn sẽ giúp doanh nghiệp kịp thời thích ứng.
Thy Lê