Có thể thấy, kể từ đầu năm 2014, Uber và GrabTaxi xuất hiện tại Việt Nam, đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa loại hình này với các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện tranh giành thị trường giữa các hình thức kinh doanh taxi xem ra vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Cạnh tranh không lành mạnh
Cụ thể, theo đại diện Hiệp hội Vận tải và các hãng taxi, hoạt động của GrabTaxi và Uber đang lấn sân taxi truyền thống, do không tạo ra thị trường mới và gây xáo trộn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đặc biệt, các hãng này còn là nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông tăng nhanh, an toàn cho hành khách…
Khá nhiều DN taxi lên tiếng đòi hỏi quyền lợi, vì cho rằng GrabTaxi và Uber đang chiếm thị phần và cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đại diện taxi Thanh Nga cho hay, với giá cước 6.000 đồng/km mà GrabTaxi áp dụng, không một hãng taxi truyền thống nào có thể chạy được, cho dù đã áp dụng công nghệ.
Ông Phạm Duy Tín - đại diện hãng Victaxi Hà Nội, lại cho rằng so với GrabTaxi/Uber, taxi truyền thống đang chịu thiệt thòi hơn. Nếu như taxi truyền thống phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước thì GrabTaxi/Uber được tự do đi từ nơi này đến nơi khác mà không phải dán logo, nhãn hiệu, không có bảng giá, không phải lắp thiết bị cho xe, đồng phục...
“Quan điểm của Victaxi là kiến nghị Nhà nước làm rõ GrabTaxi là đơn vị kinh doanh taxi hay đơn vị cung cấp phần mềm cho taxi. Đây là cuộc cạnh tranh không công bằng, vì taxi truyền thống chịu sự ràng buộc chặt chẽ của cơ quan nhà nước, GrabTaxi thì không. Nhà nước nên đưa GrabTaxi, Uber vào quản lý để tạo sân chơi công bằng”, ông Tín nói.
Đại diện công ty Ba sao taxi, ông Hoàng Văn Tân, cũng cho rằng ngày 19/10/2015, tại Công văn số 1850 gửi Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ có cho phép sử dụng công nghệ dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ôtô, nhưng cần hiểu đúng và áp dụng đúng ý của Thủ tướng để bảo đảm công bằng kinh doanh giữa các đơn vị.
“Vậy nay, nếu loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử, với điều kiện kinh doanh đơn giản hơn rất nhiều so với kinh doanh taxi, thì chúng ta có bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai loại hình này hay không?”, ông Tân đặt ra câu hỏi.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Uber và GrabTaxi làm tăng đột biến số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký hoạt động, với trên 2.360 xe có đăng ký cấp phù hiệu “xe vận tải hợp đồng”, khiến tổng số xe 9 chỗ loại này của Hà Nội tăng lên khoảng 20.993 xe. Chính vì thế, Sở GTVT Hà Nội đề nghị khống chế số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm.
![]() |
Nhiều khách hàng vẫn phàn nàn về taxi truyền thống với nhiều vấn đề
Taxi truyền thống có quá “cố chấp”?
Cùng chung quan điểm của đại diện các DN taxi truyền thống, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, cho rằng: Việc kinh doanh của Uber hay GrabTaxi sử dụng phần mềm gọi khách không tạo ra thị trường mới, loại hình mới mà giành thị trường hiện có của các hãng taxi truyền thống.
Đồng thời, sự hoạt động của GrabTaxi/Uber đang làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông, rối loạn thị trường vận tải ở Việt Nam. Hiện tượng ùn tắc cục bộ ở Hà Nội, Tp.HCM trong thời gian qua chính do hệ quả của phát triển các loại hình vận tải sử dụng phần mềm đón trả khách như trên.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Taxi Tp.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội cũng cho rằng Bộ GTVT có quá “ưu ái” khi ban hành Dự thảo thí điểm ứng dụng KHCN của Bộ GTVT. Hay thậm chí, ngày 19/10 vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng của Hà Nội tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi của Uber và GrabTaxi, nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.
Tuy nhiên, trước đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, sử dụng công nghệ thông tin, kết nối hành khách với DN vận tải thì vừa qua, GrabTaxi và Uber đã thực hiện. Đây là cách làm sáng tạo, ứng dụng được công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính trong vận tải nên Bộ có kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho GrabTaxi thí điểm tại 5 thành phố lớn, là Đà Nẵng, Tp.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng.
Đồng thời, Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ triển khai, thời gian thí điểm đến hết năm 2018, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm có cho phép nhân rộng hay không.
“Quan điểm của Bộ GTVT là nếu hoạt động bất hợp pháp thì phải xử lý nghiêm. Nhưng không phải thấy có cái tốt lên thì lại xử lý nó. Bộ GTVT phải quản lý để DN vận hành theo quy định, bảo đảm công bằng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Đồng thời, về kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Giám đốc công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh, cũng phân trần: Xe GrabTaxi không cần phải có tem mào để bắt khách, không gây ảnh hưởng đến taxi truyền thống, không phải nguyên nhân gây ùn tắc vì chỉ chạy khi có khách.
Về giá cước, ông Tuấn Anh cho biết: “Nếu không phù hợp luật giá, cơ quan quản lý có thể áp giá trần, GrabTaxi sẽ làm đúng như vậy”.
Còn theo ý kiến của khách hàng hiện nay, nhiều người cho rằng thay vì “kể tội”, yêu cầu cho Uber hay GrabTaxi tạm dừng hoạt động, tại sao các hãng taxi truyền thống của Việt Nam không thay đổi mình, cung cấp một dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Vì hiện nay, nhiều khách hàng vẫn phàn nàn về taxi truyền thống với nhiều vấn đề, từ giá cho tới chất lượng dịch vụ.
Thy Lê