Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, năm 2020, doanh số TMĐT DN - người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Riêng doanh số giao dịch TMĐT DN - DN (B2B) chiếm 30% kim ngạch XK.
Online Friday sẽ cán mốc 1.000 tỷ
Theo báo cáo TMĐT năm 2015 được Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) công bố, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến đạt 160 USD. Doanh thu từ TMĐT năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ...
Cũng theo kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm tới 50% DN sẽ có trang thông tin điện tử; 80% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm... có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) cho phép NTD thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng....
Để bảo đảm thành công cho con số tham vọng trên, từ năm 2014 Bộ Công Thương đã tổ chức Ngày hội mua sắm trực tuyến. Theo đó, năm 2015, tổng doanh thu từ các DN đạt 580 tỷ đồng, tăng 4,98 lần so với ngày trung bình năm. Mục tiêu của ngày mua sắm trực tuyến năm nay cũng được đại diện Ban tổ chức tiết lộ, sẽ có khoảng trên 3.000 DN góp mặt với 200.000 mặt hàng, dịch vụ khuyến mãi.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, cho biết năm 2016, tổng doanh thu tại Online Friday dự kiến sẽ chiếm 15% tổng doanh thu toàn bộ thị trường TMĐT vào quý VI, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, online Friday 2016 sẽ đưa ra ra cơ chế minh bạch về sản phẩm và “deal” khuyến mãi của các DN tham gia nhằm kiểm soát chất lượng của toàn bộ giao dịch trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm, bảo vệ quyền lợi của NTD.
Thực tế, trước đó, trong ngày mua sắm trực tuyến năm 2015, một số sản phẩm bị NTD tố là “đại hạ giá ảo”, bởi sau khi khuyến mãi, giá bán vẫn bằng hoặc thậm chí đắt hơn giá bán trên thị trường. Bởi vậy, nhiều ý kiến lo ngại năm nay sẽ đi theo “vết xe đổ”?
![]() |
Online Friday 2016 dự kiến cán mốc 1.000 tỷ đồng doanh số
Trả lời thắc mắc này, bà Vân Anh khẳng định, các sản phẩm tham gia chương trình Online Friday 2016 phải bảo đảm đưa đúng giá gốc, chưa hết hạn sử dụng, có chứng nhận xuất xứ và thực hiện đúng mức giảm giá như đã đăng ký.
“Các DN vi phạm sẽ bị tước quyền tham gia Online Friday ngay lập tức và phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho NTD đồng thời bị phạt hành chính 300 triệu đồng”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Vân Anh, tổ chức sự kiện lớn nhất ngành TMĐT, Bộ Công Thương kỳ vọng Online Friday 2016 sẽ đem đến một sân chơi lành mạnh cho DN và địa chỉ tin cậy cho NTD, trở thành sự kiện thường nên được đón chờ nhất, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt của TMĐT tại Việt Nam.
Bảo đảm an toàn cho khách hàng
Dù có bước phát triển nhanh chóng cả về quy mô và doanh số, nhưng có ý kiến cho rằng ngành TMĐT ở Việt Nam vẫn chưa thực sự lấy được niềm tin của khách hàng, bởi NTD vẫn lo sợ về vấn để bảo mật thông tin cá nhân khi mua sắm.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng: Hệ thống cung cấp dịch vụ khách hàng cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng thông tin của khách hàng để đối tượng xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, việc cá nhân sử dụng nhiều số thuê bao di động, số thuê bao không chính chủ, cũng có thể khiến kẻ xấu lợi dụng để thay đổi thông tin mặc định của khách hàng, đánh cắp mật khẩu giao dịch và tiến hành các hành vi lừa đảo.
Trước lo ngại của NTD về lỗ hổng bảo mật của một số ngân hàng khi thanh toán trực tuyến thời gian gần đây, ban tổ chức Online Friday 2016 cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác ngân hàng tham gia chương trình và hướng dẫn NTD phòng ngừa những rủi ro trong TMĐT ở mức thấp nhất.
Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro khi thực hiện các giao dịch điện tử, ông Trần Văn Trọng - Phó Chánh văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt, khuyến cáo: Các đơn vị kinh doanh có sử dụng thông tin cá nhân thì cần phải sử dụng nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng. Trong đó, cần đặc biệt chú ý phổ biến cho người sử dụng về những rủi ro có thể xảy ra khi mất thông tin bảo mật.
Đặc biệt, ông Trọng nhấn mạnh, người dùng cần lưu ý xem kỹ các website khi truy cập, không truy nhập các website không rõ nguồn gốc, không cung cấp tài khoản cá nhân cho bên thứ 3, khi nghi ngờ hoặc phát hiện sự cố với tài khoản ngân hàng online cần nhanh chóng báo với ngân hàng để kịp thời xử lý.
Thanh Hoa