Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa công bố báo cáo "Tại sao ngành dăm gỗ của Việt Nam phát triển: Mất cân đối giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu".
Nghịch lý "cần không có"
Báo cáo về ngành dăm gỗ, VIFOREST cho biết trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 7 triệu tấn dăm, đạt 923,01 triệu USD về kim ngạch, giảm nhẹ (1% về lượng và 6,4% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành gỗ mất cân đối giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu. |
3 thị trường tiêu thụ dăm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kim ngạch và lượng xuất khẩu từ 3 thị trường này chiếm trên 90% trong tổng lượng và giá trị xuất khẩu dăm của cả Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu đầu vào cho dăm gỗ chủ yếu là từ các loài keo, tràm và bạch đàn. Khoảng 96% trong tổng lượng dăm xuất khẩu của cả Việt Nam được làm từ các loài này.
Đến nay, Việt Nam có tổng số 231 nhà máy dăm, với công suất chế biến khoảng 15,3 triệu tấn dăm khô/năm. Hiện cả nước có 3 vùng có sự hiện hiện của các doanh nghiệp dăm nhiều nhất, bao gồm vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung. Số lượng nhà máy dăm tại 3 vùng này chiếm gần 90% trong tổng số các nhà máy và tổng công suất các nhà máy dăm trên toàn quốc.
Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp dăm hiện diện nhiều nhất ở nơi có các diện tích rừng trồng lớn nhất nhưng có ít cơ sở chế biến sâu nhất. Nói cách khác, các doanh nghiệp dăm hình thành ở các vùng này nhằm mục đích hút nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt từ các hộ gia đình, trong bối cảnh năng lực chế biến sâu tại các vùng này hiện đang rất hạn chế.
Theo VIFOREST hiện đang tồn tại một sự mất cân đối mang tính chất vĩ mô giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và các cơ sở chế biến sâu và sự hình thành và phát triển của ngành dăm là kết quả của sự mất cân đối này. Sự mất cân đối mang tính chất hệ thống này đặc biệt xảy ra ở khu vực Miền Trung nơi có các diện tích rừng trồng rộng lớn trong khi năng lực chế biến sâu lại rất hạn chế.
Các con số thống kê của Tổng cục Hải quan về lượng dăm xuất khẩu theo cảng cho thấy trong 10 cảng có lượng dăm xuất khẩu hàng năm lớn nhất (chiếm gần 90% tổng lượng dăm xuất khẩu của cả nước) chỉ có 1 cảng thuộc khu vực Miền Bắc (cảng Cái Lân); toàn bộ các cảng còn lại nằm ở khu vực Miền Trung. Nói cách khác, khu vực Miền Trung đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dăm của cả nước bởi đây là vùng năng lực chế biến sâu rất hạn chế.
Theo đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp dăm lớn ở khu vực Miền Trung, khoảng 80-85% lượng gỗ rừng trồng từ khu vực này được sử dụng làm nguyên liệu dăm, 15-20% còn lại đi vào gỗ tinh chế. Lượng dăm xuất khẩu ở các địa phương từ khu vực Huế đến Đà Nẵng chiếm khoảng 45% tổng lượng dăm của cả nước. Đây cũng là nơi có gỗ tinh chế sản xuất ra có lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 5% trong tổng lượng gỗ tinh chế sản xuất từ gỗ rừng trồng trong cả nước.
Áp thuế xuất khẩu gỗ dăm là không cần thiết
Trong khi đó, trung tâm chế biến sâu hiện tập trung tại miền Đông Nam Bộ, chủ yếu ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh. Tại một số tỉnh ở Miền Bắc như Hà Nội, Nam Định cũng hình thành một số trung tâm tuy nhiên có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Các khu vực này đều là các địa phương không phải là vùng nguyên liệu rừng trồng. Tại các địa phương này, nguồn cung gỗ nguyên liệu ít hơn cầu.
Để giảm thiểu việc mất cân đối giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends khuyến nghị: Chính phủ và chính quyền các địa phương đặc biệt tại các tỉnh khu vực Miền Trung cần có những cơ chế chính sách đột biến nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu vào những vùng này. Các cơ chế chính sách cần đi theo hướng tạo các yếu tố nền tảng, như cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ như đề cập ở trên.
Hiện Chính phủ đang xem xét việc hình thành một khu trung tâm chế biến lâm nghiệp công nghệ cao thuộc tỉnh Nghệ An. Việc hình thành khu trung tâm này nếu đính kèm với các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ có tiềm năng trong việc giải quyết tình trạng mất cân đối vĩ mô giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu hiện nay.
Mặt khác, các chuyên gia trong ngành gỗ cho rằng, các cơ chế chính sách của chính phủ, bao gồm các chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn và áp dụng thuế xuất khẩu dăm gỗ, nhằm hạn chế ngành dăm phát triển, sẽ tiếp tục không đạt được kết quả như kỳ vọng. Ngược lại, các cơ chế chính sách này, đặc biệt là thông qua việc sử dụng công cụ thuế can thiệp vào thị trường làm méo mó thị trường và tổn hại tới lợi ích của các hộ trồng rừng.
"Thu hút các cơ sở chế biến sâu vào các khu vực có các diện tích rừng rộng lớn, bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm, đa dạng các sản phẩm sử dụng đầu vào là gỗ nguyên liệu rừng trồng, phát huy lợi thế các vùng sinh thái, nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng cho các hộ là các giải pháp nhằm giải quyết sự tồn tại của tình trạng mất cân đối vĩ mô giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và các cơ sở chế biến sâu", ông Phúc kiến nghị.
Thy Lê