Lúa gạo được xem là mặt hàng "miễn nhiễm" trước 3 đợt dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, giá lúa giảm mạnh khiến nông dân vô cùng lo lắng.
Giá giảm vì tắc đầu ra
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, vụ Hè Thu năm 2021, toàn tỉnh xuống giống trên 187.200ha. Hiện các diện tích đã bước vào giai đoạn thu hoạch rầm rộ tại các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình với giá lúa chất lượng cao tại ruộng là 6.000 đồng/kg, lúa IR50404 giá 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước.
Giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long giảm vì tác động xấu từ dịch COVID-19. |
Không chỉ giá lúa, hiện nay nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đang rớt giá trầm trọng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân thị trường xuất khẩu thu hẹp, việc các chợ đầu mối ở TP.HCM - nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long ngừng hoạt động khiến nông sản ùn ứ. Bên cạnh đó, trở ngại trong khâu vận chuyển hàng hóa ra khỏi những vùng cách ly cũng khiến nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến một số mặt hàng nông sản như thanh long, chanh, dưa hấu, khoai lang tím Nhật và ớt… tiêu thụ khó khăn, giá giảm mạnh, người sản xuất không có lãi, từ hòa vốn đến lỗ.
Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ máy cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam những ngày gần đây, ông Cường lo ngại sẽ ảnh hưởng xấu tới sản xuất, thu hoạch, gieo cấy của ngành lúa gạo. Theo đó, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng các địa phương cần chủ động phương án, kịch bản sản xuất nông nghiệp đúng tiến độ, thời vụ, tránh tình trạng lúa chín mà không thu hoạch được.
Đồng thời, về khâu lưu thông, tiêu thụ, các địa phương cần phải đẩy mạnh phối hợp với DN, thương lái để thu mua nông sản cho người nông dân.
Với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phản ánh, các trang trại đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ. Điều này khiến giá sản phẩm chăn nuôi như lợn, gia cầm bán tại trại đồng loạt giảm, đặc biệt lợn hơi hiện đang có mức giá thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả lợn châu Phi.
Hiện, đa số tiểu thương, thương lái, chợ đầu mối, chợ truyền thống... đều ở trong vùng dịch. Trong khi đó, tài xế, phương tiện muốn lưu thông qua lại các tỉnh, thành phải có giấy xét nghiệm âm tính với với SARS-CoV-2 (thời hạn chỉ có 3 ngày) nên rất khó khăn, tốn kém.
Ngoài ra, các trang trại lợn ở Đồng Nai đa số nằm tại huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom - đều là địa phương đang có dịch. Vì vậy việc vận chuyển, thu mua sản phẩm chăn nuôi phần nào bị hạn chế hơn so với trước.
Theo đó, ông Công kiến nghị, Chính phủ và các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương phải tính đến các phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tránh để hàng hóa ùn ứ ở vùng sản xuất, còn những vùng cần sử dụng hàng hoá lại thiếu thốn và phải mua với giá rất cao.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động giao thương nông sản; tăng cường kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã có kế hoạch khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Đồng Tháp xây dựng 3 kịch bản: Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tương đối thuận lợi; Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; Dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như: lúa gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi...
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ này cần phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch COVID-19.
Về lâu dài, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường phản ánh, thời gian qua, việc tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) còn ít, nên việc kết nối đầu ra sản phẩm, đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ và công tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; chuỗi giá trị ngành hàng qua nhiều trung gian, phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn chậm. Theo đó, việc phát triển mô hình HTX sẽ giúp hình thành chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.
Điển hình là tại HTX rau an toàn Long Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp), dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng nhờ thực hiện chuỗi liên kết nên việc tiêu thụ rau an toàn của HTX vào hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh rất ổn định. Nếu được tổ chức lại một cách hoàn chỉnh như mô hình này, có thể nông sản sẽ giảm được tình trạng ùn ứ, nông dân giảm bớt khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, các hiệp hội, HTX cũng chủ động tìm các giải pháp tiêu thụ nông sản. Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho hay, trước tình hình tiêu thụ của thị trường TP.HCM giảm mạnh do hàng loạt chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, HTX kết nối, đưa hàng đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư, sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo được động lực thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển.
Thy Lê
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |