Theo báo cáo mới nhất của Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm 2014 ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số từ TMĐT đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Theo kết quả điều tra khảo sát, doanh thu từ lĩnh vực bán hàng qua mạng đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Quảng cáo kiểu “một tấc lên trời”
Dạo qua một vòng thị trường kinh doanh mỹ phẩm online, dễ dàng nhận thấy hàng trăm thương hiệu, kể cả trong nước và nước ngoài được quảng cáo, chào bán rầm rộ. Trong vai một khách hàng mua số lượng lớn mỹ phẩm về bán lẻ, người viết gọi đến số điện thoại 0935000xxx của công ty TNHH XNK Vi Nguyễn, được nhân viên ở đây cho biết: Những sản phẩm của công ty nhập nguồn nguyên liệu từ Australia, hàng luôn bảo đảm chính hãng, có bao bì nhãn mác đầy đủ. Khi về Việt Nam được đóng gói trên dây chuyền nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, nên chất lượng đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Vi Nguyễn đăng ký kinh doanh hoạt động chính là sản xuất mỹ phẩm thương hiệu Diamond Beauty. Tất cả những sản phẩm này đều được bán trên mạng qua trang website, facebook của công ty và các đại lý. Tại địa chỉ facebook mỹ phẩm Diamond Beauty, các sản phẩm đều được quảng cáo như một “thần dược” với khả năng làm đẹp nhanh chóng, bởi các sản phẩm đều được chiết xuất từ nhau thai cừu, với công dụng làm đẹp da, chống lão hóa, dưỡng ẩm, chống nắng... Và, trên bao bì mỗi sản phẩm đều ghi dòng chữ “Made in Australia”.
Trái ngược với những thông tin ít ỏi được đăng tải trên website của công ty Vi Nguyễn, các thông tin được đăng tải rất ít và dường như không có hoạt động gì trong thời gian gần đây, thì tại địa chỉ facebook của công ty, sản phẩm được quảng bá rầm rộ, với những công dụng thần thánh. Đặc biệt là sự “ra đời” liên tục của các sản phẩm mới, mà tuyệt nhiên không thấy trang này giới thiệu về hoạt động của công ty, về nhà máy đạt chuẩn GMP.
Theo tìm hiểu của người viết, trên giấy phép đăng ký kinh doanh, công ty Vi Nguyễn chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các mặt hàng là mỹ phẩm, thế nhưng tại trang website và trên địa chỉ facebook của công ty, đang quảng cáo và bán sản phẩm thực phẩm chức năng làm trắng da Relumins White 1650mg Glutathione Complex, được nhập khẩu từ Mỹ.
Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết công ty chưa đăng ký sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sản phẩm Relumins cũng chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành tại thị trường trong nước.
Theo thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 25 triệu người sử dụng Facebook, nơi tập trung nhiều người dùng trẻ và dân văn phòng, là những đối tượng có nhu cầu mua sắm cao. Chỉ cần một cú click, người dùng dễ dàng đặt mua cho mình những món đồ, vật dụng theo nhu cầu và được nhân viên mang đến tận nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những thân thiện, tiện lợi trên mua bán qua mạng còn đó những lo âu mà không phải ai cũng nhìn thấy.
![]() |
Thực phẩm chức năng Relumins được quảng cáo rầm rộ trên facebook bán hàng của công ty Vi Nguyễn
Loay hoay tìm giải pháp
Ngày 5/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT để bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT được Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013.
Thông tư 47 quy định các DN phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch.
Đặc biệt, mặc dù Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội, nhưng theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, cá nhân tổ chức kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Thực tế, việc quản lý nghĩa vụ nộp thuế đối với những DN kinh doanh qua mạng là cực kỳ khó, bởi hầu hết các DN này đều có đại lý là các địa chỉ facebook cá nhân và khách hàng của những đại lý này cũng là khách hàng lẻ, vì vậy họ cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn, chứng từ khi mua sản phẩm.
Chị Trịnh Hoài Anh - chủ một facebook là đại lý cho một thương hiệu mỹ phẩm, cho biết mỗi tháng chị bán hàng trăm lọ kem dưỡng da, với số tiền lên đến hàng trăm triệu, nhưng không lấy hóa đơn GTGT. Thậm chí, chị Hoài Anh cũng không lấy phiếu thu, do khách hàng của chị đều mua qua facebook cá nhân.
Tại địa chỉ facebook mỹ phẩm Diamond Beauty, dễ dàng nhận thấy lượng khách hàng theo dõi và sử dụng sản phẩm lên đến con số hàng nghìn và số lượng đại lý trải dài trên 63 tỉnh thành trong cả nước.
Với lượng khách hàng khủng như vậy, mỗi ngày, công ty Vi Nguyễn bán ra thị trường hàng trăm lọ kem dưỡng da các loại với giá hơn 500.000 - 700.000 đồng/lọ, thu về hàng trăm triệu đồng. Vậy DN này đã thực hiện đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước chưa? Đến nay, cơ quan chức năng cũng chưa thể kiểm tra và giám sát được.
Tại hội thảo bàn về những nội dung giải quyết thách thức về thuế trong nền kinh tế số, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng - Phó Trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), cho biết quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT là thách thức đối với ngành thuế. Bởi việc thu thuế đối với hoạt động này phụ thuộc ý thức tự giác của DN đó có đăng ký, kê khai hay không.
Thiết nghĩ, kinh doanh qua mạng là xu thế của tương lai, phải được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cần có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tránh thất thoát thuế, ngành thuế cần có những biện pháp thực hiện quản lý rủi ro, thay vì trông chờ vào sự tự khai, tự tính, tự nộp của cá nhân và DN.
Huyền Anh