Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua kiểm dịch thực vật là hơn 269 nghìn lô với khối lượng khoảng hơn 44 triệu tấn giảm 3,08% so với cùng kỳ năm 2021.
![]() |
Phát hiện bệnh nấm trên lúa mì Tilletia indica nhập khẩu vào Việt Nam. |
Trong đó, hàng nông sản nhập khẩu hơn 132 nghìn lô với khối lượng gần 23 triệu tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện 3 loài đối tượng kiểm dịch thực vật (Trogoderma granarium, Cirsium arvense, Tilletia indica) trên 3 loại hàng hoá nhập khẩu (lúa mì, ngô hạt, đậu tương) từ 4 quốc gia Ấn Độ, Pháp, Hoa Kỳ và Pakistan. Các lô hàng này đã được xử lý theo đúng quy định kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Về kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác kiểm dịch thực vật đã thực hiện được hơn 137 nghìn lô với khối lượng hơn 21,8 triệu tấn, giảm 1,57% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các loại gỗ và sản phẩm gỗ, rau củ quả tươi, sắn, gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu… cơ bản đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã kiểm tra điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của 11 doanh nghiệp, cấp lại 5 Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng biện pháp xử lý xông hơi khử trùng. Đàm phán với các nước nhập khẩu để được ủy quyền giám sát các cơ sở xử lý quả tươi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) hoàn tất các thủ tục và đã công nhận cơ sở xử lý chiếu xạ của Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát được tham gia chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
"Về công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm dịch thực vật đã được nâng cao thể hiện qua việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật trên hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Về cơ bản đảm bảo các lô hàng xuất khẩu đáp ứng quy định của các nước nhập khẩu, góp phần bảo vệ tốt nền sản xuất trong nước cũng như giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam", Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Trong khi đó, đối với công tác mở cửa thị trường, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và đặc biệt là cán bộ của Văn phòng APHIS Hà Nội để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật giữa hai nước.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, đại diện cơ quan kinh doanh thực vật Hoa Kỳ tại Việt Nam (APHIS) tổ chức kiểm tra vùng trồng bưởi và nhà máy chiếu xạ; xây dựng bản đồ chiếu xạ và kế hoạch xuất khẩu để có thể chính thức xuất khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Về thị trường Nhật Bản, hoàn thành thí nghiệm xử lý lạnh cho quả nhãn để làm căn cứ mở cửa thị trường sang Nhật Bản. Đàm phán và đạt được thỏa thuận với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) về các biện pháp để quản lý chặt chẽ xoài xuất khẩu sang Nhật Bản, mở cửa lại việc xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản; tiến hành cấp mã số vùng trồng xoài và thanh long xuất khẩu đi Nhật Bản...
Thy Lê